(Global Research Alliance  on Oceanography, Meteorology, and Hydrology)

Có thể nói năm học 2020-2023, bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn, Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG. TPHCM đã có rất nhiều hoạt động sôi động với các đối tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo nguổn nhân lực cho bộ môn.

Hội nghị khoa học trường lần thứ 13 tại tiểu ban Vật lý địa cầu – Hải dương vào tháng 11/2022 đã nhận được nhiều quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước với 22 báo cáo oral 23 báo cáo poster. Bên cạnh các báo cáo trực tiếp, còn có báo cáo online chủ yếu từ các báo cáo của các nhà khoa học nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ, Ba Lan, Đức và Úc (Hình 1a).

Trong đó, có GS. Sohiko Kameyama của Trường ĐH Hokkaido (Nhật Bản) có báo cáo trực tiếp tại Hội nghị vào sáng ngày 24/11/2022. Bên cạnh đó, GS. Kameyama cũng có thêm 1 bài báo cáo với chủ đề “Trao đổi khí metan và khí vết trong đại dương” và giới thiệu thông tin đào tạo sau đại học của Trường Hokkaido cho sinh viên và học viên sau đại học vào ngày 25/11/2022 (Hình 1b). GS. Kameyama vẫn đang tiếp tục triển khai dự án nghiên cứu về tương tác biển – khí tại Việt nam trong thời gian sắp tới.

Hình 1a. HNKH trường lần thứ 13 tại tiểu ban Vật lý địa cầu – Hải dương học vào tháng 11/2022
Hình 1b. Báo cáo của GS. Sohiko Kameyama về trao đổi khí metan và khí vết trong đại dương

Trong khuôn khổ chương trình Erasmus plus về trao đổi giảng viên giảng dạy về Khoa học Trái đất và môi trường giữa trường Đại học Bialystok (Ba Lan) và bộ môn Hải dương Khí tượng và Thủy văn đã được triển khai từ năm 2020. Tháng 06/2022, PGS Võ Lương Hồng Phước, trưởng bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn của trường ĐH Khoa học tự nhiên Tp. HCM đã giảng dạy cho học viên Cao học ngành sinh học của trường Đại học Bialystok (Ba Lan) về Hệ sinh thái rừng ngập mặn và Quản lý hệ sinh thái đới bờ (hình 2a). Tháng 05/2023, Giáo sư Piotr Zieliński, trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Białystok (Ba Lan) đã qua giảng dạy cho sinh viên ngành Hải dương học về Global changes and their biological consequences (sự thay đổi toàn cầu và các hậu quả trong sinh học) (Hình 2b). Ngoài ra, GS. Piotr Zieliński trình bày vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay về vi nhựa với chủ đề “Microplastic contamination as increasing problem in freshwater ecosystems” (Sự gia tăng ô nhiễm vi nhựa trong hệ sinh thái nước ngọt) (https://oceanology.hcmus.edu.vn/2023/05/11/7606/). Sắp tới, dự án Eramus plus sẽ được mở rộng trao đổi sinh viên trong nghiên cứu về vi nhựa. Việc mở rộng này nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các trường đại học và tổ chức nghiên cứu về vi nhựa trên toàn thế giới. Sinh viên sẽ có cơ hội tham gia vào các chương trình trao đổi, nghiên cứu chung và thực tập tại các nền tảng nghiên cứu uy tín, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ vi nhựa.

Hình 2a. Giảng dạy “Hệ sinh thái rừng ngập mặn và Quản lý Hệ sinh thái đới bờ” của PGS.TS Võ Lương Hồng Phước cho Cao học ngành sinh học của trường ĐH Bialystok, Ba Lan
Hình 2b. Giảng dạy “Sự thay đổi toàn cầu và các hậu quả trong sinh học” của GS. Piostr Zielinski, ĐH Bialystok cho sinh viên bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn

Trường đại học Tasmania (Úc) được thành lập vào năm 1890 và là đại học đầu tiên ở Tasmania. Trường có một lịch sử dài và đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Australia. Từ năm 2018, bộ môn đã ký kết MOU với trường ĐH Tasmania trong hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực. Từ dự án “nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhân tố tự nhiên/con người và hiện tượng tảo nở hoa ở vùng nước trồi Nam Trung Bộ” theo chương trình “The 2017 Australia-Vietnam Researcher Exchange Program”, đến các báo cáo trong hội nghị khoa học trường năm 2020 và 2022 (Hình 3a,b). Tháng 12/2021, ThS Lê Trần Duy Phúc, GV của bộ môn, chính thức thành NCS của trường ĐH Tasmania. Năm 2020, chương trình học bổng Colombo Plan 2020 về trao đổi giảng dạy giữa trường ĐH Tasmania (Úc) và trường ĐH Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh được thông qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình đã được tạm hoãn lại và tiếp tục được thực hiện theo dự kiến vào tháng 11/ 2023. Lớp học với sinh viên quốc tế sẽ được tổ chức tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên Tp. HCM do bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn phụ trách. Đây là một hành trình học tập đa sắc màu, nơi sinh viên có cơ hội khám phá văn hóa, lịch sử và môi trường đa dạng của Việt Nam. Đồng thời, thông qua giờ lý thuyết và thực tập thực tế, sinh viên cũng có thể áp dụng kiến thức của mình để đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường và hệ sinh thái ven biển.

Hình 3a. HNKH trường lần thứ 12 tại Tiểu ban Vật lý địa cầu – Hải dương vào 11/2020
Hình 3b. Báo cáo trực tuyến của TS. Andrew Fisher, ĐH Tasmania về tảo nở hoa

Ngày 29/05/2023, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Hải Dương Học SCRIPPS, thuộc Trường Đại học California (Hoa Kỳ) (Hình 4). Viện Hải Dương Học SCRIPPS là tổ chức tập trung vào các nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu về đại dương được tài trợ chủ yếu bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Hiện tại, Viện Hải Dương Học SCRIPPS đang triển khai nhiều dự án nghiên cứu về đại dương quy mô toàn cầu mà tiêu biểu trong số đó là dự án ARGO được triển khai với một mạng lưới các trạm quan trắc biển sâu theo thời gian thực sử các thiết bị tự hành. Sau lễ ký kết, các bên đã thảo luận và đi đến thống nhất hợp tác thực hiện các nội dung sau:

– Tổ chức các hội thảo khoa học và liên kết đào tạo, v.v.

– Thực hiện chung các dự án nghiên cứu khoa học và các hoạt động khoa học khác.

– Trao đổi khoa học, dữ liệu khảo sát, các thông tin, kết quả nghiên cứu, công bố khoa học và hoạch định các dự án nghên cứu tương lai.

– Tạo điều kiện trao đổi chuyên gia, sinh viên, nhà khoa học trẻ.

Dự kiến thời gian triển khai hợp tác nghiên cứu và phối hợp đào tạo từ cuối tháng 11 năm 2023. Dự án nghiên cứu và khảo sát động lực học tương tác tại vùng nước sâu và vùng nước nông ven bờ tại vùng biển Lý Sơn và mũi Cà mau sẽ được triển khai trong ba năm. Dự án sẽ góp phần đào tạo 02 NCS và đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cao để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cho ngành Hải dương, Khí tượng và Thủy văn.

Qua việc hợp tác nghiên cứu và đào tạo chung, các chuyên gia và nhà nghiên cứu có cơ hội học hỏi và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực này. Điều này đóng góp vào việc hiểu rõ hơn về tình hình biển, đại dương, thời tiết, biến đổi khí hậu và tác động của chúng đối với môi trường và con người. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Hải dương Khí tượng và Thủy văn mang lại lợi ích to lớn cho cả cộng đồng quốc tế và nâng cao vị thế nghiên cứu và đào tạo Hải dương học nói riềng và ngành Khoa học Trái nói chung của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG. Tp. HCM.

Hình 4. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Hải dương học Scripps thuộc Trường Đại học California (Hoa Kỳ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *