Nguyễn Thị Kim Thảo là cựu sinh viên khóa 2011 ngành Hải dương, Khí tượng và Thủy văn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM. Hiện nay, bạn đang công tác tại Phòng nghiên cứu Hải dương học – Viện Kỹ thuật biển với hướng nghiên cứu về thủy động lực học, vận chuyển bùn cát, chế độ bồi xói sông và biển; ảnh hưởng lẫn nhau giữa công trình thủy và chế độ thủy thạch động lực học. Kim Thảo đã có một bài phỏng vấn nhỏ để chia sẻ những cảm nhận của mình về ngành Hải dương học.

Q1. Trong quá trình làm việc thực tế, bạn cảm nhận kiến thức được học đáp ứng bao nhiêu phần trăm công việc?

Bản thân tôi thấy kiến thức được giảng dạy đáp ứng 65% công việc thực tế. Vì làm trong môi trường nghiên cứu, nên hầu hết lý thuyết từ các môn học đều đóng vai trò nhất định trong quá trình làm việc. Một số môn học tuy chưa thực sự liên quan đến công việc thực tế nhưng nó góp phần rèn luyện cho tôi khả năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề. Chương trình học đối với các ngành khoa học nhìn chung nặng hơn nhiều ngành khác. Mặc dù học có phần vất vả, nhưng chính vì vậy tôi được rèn luyện tính bền bỉ, kiên trì và chịu đựng áp lực. Điều này có ích rất nhiều đối với thực tế đi làm sau này.

Q2. Việc học lý thuyết và làm ở thực tế có khác nhau như thế nào? Có câu chuyện hay kỷ niệm nào khiến bạn nhớ mãi không?

Khi học lý thuyết, tôi được học về năng lượng sóng và dòng chảy, nhưng phải đi làm thực tế tôi mới nhận ra ảnh hưởng của các yếu tố này đến đời sống xã hội. Lúc trước nghĩ rằng những thứ mình học thật trừu tượng, nhưng đi làm rồi mới hiểu rõ nó thực tế như thế nào. Những vụ sạt lở bờ sông quy mô lớn; hàng nghìn hecta đất và khối tài sản khổng lồ mà hằng năm sóng biển cuốn trôi càng làm tôi hiểu rõ tầm quan trọng của ngành hơn.

Tôi nhớ nhất là lần đầu tiên đi điều tra thực địa, nghe người dân kể về nổi khó khăn và những lo lắng họ phải đối mặt với tình trạng sạt lở khi sống gần sông và biển làm tôi cảm thấy rất xúc động. Nghĩ tới công sức của người dân nhiều năm tích lũy có thể bị biến mất chỉ sau một đêm làm tôi cảm thấy yêu nghề hơn, tự cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa với công việc mà mình đang đảm nhận.

Q3. Các bạn trẻ khi theo học ngành này thường không được ủng hộ (gia đình, xã hội…) do nghe tên ngành học “không sang”, tính chất công việc di chuyển nhiều, bạn nhận định như thế nào về việc này? Bạn có gặp định kiến gì khi theo học không ạ?

Tôi may mắn được ba mẹ ủng hộ quyết định cá nhân. Bản thân tôi thấy ngành này không hề “không sang” mà ngược lại mới đúng. Những người hỏi tôi đang làm nghề gì, nghe tôi trả lời xong, khoảng 80% không biết về ngành, bởi lẽ ngành này không phổ biến như rất nhiều ngành khác. Sau đó, họ đều thể hiện sự ngưỡng mộ vì tôi là “người làm khoa học”. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng hơn.

Làm trong môi trường khoa học, tôi có nhiều động lực để phát triển bản thân hơn khi được tiếp xúc với những nhà khoa học, các Giáo sư kỳ cựu trong ngành. Bên cạnh đó, do tính chất chung, môi trường làm việc của tôi khá lành tính và ít xô bồ. Mọi người đều vui vẻ, chan hòa và có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau.

Việc đi công tác cũng là một điều rất thú vị. So với những công việc chỉ ngồi làm văn phòng, tôi cảm thấy mình được “đi du lịch miễn phí”. Hơn nữa, công việc của tôi chủ yếu là làm ở văn phòng, không cần phải đi quá nhiều. Lãnh đạo cũng rất tạo điều kiện để tôi có thể lựa chọn đi hoặc không đi công tác đối với các chuyến đi không quá quan trọng. Nếu như thời gian trước Biến đổi Khí hậu vẫn đang là vấn đề mơ hồ và chưa thực sự được quan tâm, thì hiện nay các hậu quả của nó đã khá rõ ràng. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã coi đây là vấn đề nổi cộm cần được chú ý. Do đó, ngành  Hải dương, Khí tượng và thủy văn sẽ là một trong những ngành xu hướng vì đi đầu trong việc nghiên cứu về vấn đề này.

Q4. Lời khuyên cho những bạn có dự định theo học cũng như các bạn sắp tốt nghiệp.

Làm việc trong ngành này các e không chỉ đơn giản là làm một công việc để kiếm sống, vì nó mang tính nhân văn và ý nghĩa quan trọng đối với môi trường toàn cầu. Mặc dù rất nhỏ bé nhưng chúng ta đang góp một phần sức lực trong việc bảo vệ Trái Đất. Phát triển kinh tế ồ ạt và xu hướng chạy theo lợi nhuận, con người gần như coi tài nguyên thiên nhiên là vô hạn và “không của riêng ai”. Chúng ta đang sống và nhận miễn phí những gì bà mẹ Trái Đất mang lại nhưng lại thiếu sự biết ơn và trân trọng thiên nhiên. Làm việc trong ngành này các em có cơ hội được sáng tạo, góp chút sức lực của mình trong việc bảo vệ những người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, những tác động khác của sông và biển mặc dù có thể chính bản thân họ không phải là người gây ra vấn đề này.

Đối với những bạn sắp tốt nghiệp, chị cũng từng như các em, có lúc tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, có lúc cũng nản lòng. Nhưng chị nghĩ dù là ngành nghề nào cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Đối với chị, đam mê cũng như cảm xúc của các em, có ngày vui có ngày buồn, có ngày các em vui buồn không biết bao nhiêu lần. Chúng ta không thể quyết định những vấn đề quan trọng dựa vào những yếu tố thay đổi liên tục. Vì lẽ đó, chị mong các em đừng vì phút nản lòng mà mất kiên định trên con đường mà mình đã chọn. “Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân” mong các em đủ mạnh mẽ để lựa chọn, đủ bền chí để tiếp tục và đủ yêu nghề để trở thành những “người làm khoa học” thực sự có ích cho Tổ quốc. Chúc các em nhiều sức khỏe và thành công.

Cảm ơn những lời chia sẻ của bạn Kim Thảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *