Chương trình không gian của Ấn Độ được đánh giá là một thành tựu lớn khi đã thành công ngay trong lần đầu thử nghiệm, và còn được chú ý hơn khi chi phí đầu tư chỉ bằng một phần 10 so với chương trình tương tự của Mỹ.

MOM của Ấn Độ là một trong những sứ mệnh không gian có chi phí thấp nhất từng được thực hiện trên thế giới. Ảnh: AP.

Tàu thăm dò Mangalyaan hôm qua đến quỹ đạo sao Hỏa, gây sự chú ý của toàn thế giới. Chương trình không gian của quốc gia này đã thành công ngay trong lần đầu tiên thử nghiệm.

Đây là một thành tựu to lớn theo đánh giá của các chuyên gia. Sự thành công của chương trình khám phá sao Hỏa Mars Orbiter Mission (MOM hay Mangalyaan) đã đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia đi đầu khám phá hành tinh đỏ, trong đó có Mỹ, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Liên Xô.

Sứ mệnh MOM của Ấn Độ được đầu tư 4,5 tỷ rupee (tương đương 74 triệu USD). Theo tiêu chuẩn các chương trình không gian của phương Tây, đây là chi phí thấp một cách kinh ngạc. Trong khi đó, chi phí cho chương trình đưa vệ tinh Maven của Mỹ lên sao Hỏa hôm 21/9 là 671 triệu USD, gấp gần 10 lần.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 6 từng nói đùa rằng số tiền đầu tư cho hành trình khám phá sao Hỏa của nước này thậm chí còn ít hơn so với bộ phim Gravity của điện ảnh Mỹ.

Đối với một quốc gia đông dân nhưng không giàu có, các kỹ sư và nhà khoa học làm việc cho bất kỳ sứ mệnh không gian nào luôn là nhân tố quan trọng nhất, có thể giúp hoàn thành nhiệm vụ đặt ra mà không tốn quá nhiều chi phí. Kết cấu, bộ phận hay công nghệ “của nhà trồng được” cũng được ưu tiên hơn so với những thứ nhập khẩu từ nước ngoài.

MOM của Ấn Độ là một trong những sứ mệnh không gian có chi phí thấp nhất từng được thực hiện trên thế giới. Ảnh: AP.

Thêm vào đó, Ấn Độ có thể làm được điều này bằng cách thực hiện từ những việc đơn giản khác. “Họ thiết kế tàu thăm dò có kích thước nhỏ. Trọng tải của nó chỉ khoảng 15 kg. So với kết cấu phức tạp của Maven, điều đó có thể giải thích khá nhiều điều liên quan đến chi phí”, giáo sư người Anh Andrew Coates, người sẽ tham gia nghiên cứu chương trình sao Hỏa năm 2018 của châu Âu, nhận định.

“Tất nhiên, việc giảm tính phức tạp cho thấy nó có thể hạn chế về khả năng kỹ thuật cao, nhưng Ấn Độ đã rất thông minh khi nhắm đến một số mục tiêu thực sự quan trọng”, Coates nói.

Mangalyaan được thiết kế một công cụ giúp thu thập hình ảnh và dữ liệu nhằm tìm kiếm, xác định khí methane trên sao Hỏa. Đây là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong nghiên cứu hành tinh đỏ hiện nay. Và Mangalyaan, con tàu thăm dò có trọng tải nhỏ được hy vọng sẽ là chìa khóa giúp tìm ra những câu hỏi lớn về hành tinh này.

Bên cạnh niềm hân hoan của giới chuyên gia và người dân Ấn Độ, các nhà khoa học phương Tây tỏ ra hào hứng và phấn khích trước thành công của quốc gia Nam Á.

“Các kết quả nghiên cứu sẽ kết nối với Maven cũng như một số sứ mệnh quan sát sao Hỏa khác của châu Âu. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta sẽ có ba kết quả đánh giá”, giáo sư Coates cho hay.

Theo Coates, điều này có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về bầu khí quyển của hành tinh này từ giai đoạn cách đây hàng tỷ năm, đồng thời xác định kiểu khí hậu từng tồn tại và mặt có lợi của nó đối với sự sống.

Linh Anh

Nguồn:http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/tau-tham-do-sao-hoa-cua-an-do-gay-kinh-ngac-cho-the-gioi-3084518.html