Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE, Dartmouth và các đồng nghiệp cho biết: “Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra việc tăng nhiệt độ bề mặt đại dương, điều này có thể làm cho các loài cá tích lũy nhiều thủy ngân hơn, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của những người sử dụng hải sản”.

Cho đến nay, vẫn còn rất ít hiểu biết về hiện tượng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến tích lũy thủy ngân trong các sinh vật biển, và cũng chưa có một nghiên cứu nào trước đây cho thấy ảnh hưởng của việc sử dụng cá nhiễm thủy ngân đối với người tiêu dùng, trong phòng thí nghiệm cũng như thực nghiệm. Thủy ngân rất độc, được thải vào không khí qua con đường ô nhiễm công nghiệp, tích tụ trong các dòng suối và đại dương và trở thành methyl thủy ngân trong nước.

Loài cá killifish được Dartmouth và các đồng nghiệp nghiên cứu

Các nhà khoa học nghiên cứu loài cá killifish ở các nhiệt độ khác nhau trong phòng thí nghiệm và trong đầm lầy muối ở Maine. Cá trong đầm lầy ăn côn trùng, sâu và thức ăn tự nhiên; trong khi đó, cá trong phòng thí nghiệm được cho ăn các loại thức ăn giàu thủy ngân. Kết quả cho thấy rằng trong cả hai môi trường sống thì cá sống ở nhiệt độ ấm hơn sẽ ăn nhiều hơn nhưng tăng trưởng chậm hơn và có lượng methyl thủy ngân cao hơn trong các mô của chúng; điều đó cũng cho thấy rằng việc tăng quá trình trao đổi chất là nguyên nhân gây ra việc tăng hấp thụ các kim loại độc hại.

Nguồn:http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc/quoc-te/2041-hien-tuong-dai-duong-am-len-co-the-lam-tang-nong-do-thuy-ngan-trong-ca