(NLĐO) – Một báu vật ngoạn mục đã được tìm thấy trong các mẫu từ “Cung Điện Rồng” được kiến tạo ngoài hệ Mặt Trời mà sứ mệnh Hayabusa-2 của Nhật Bản đã đem về Trái Đất.
Theo bài công bố trên tạp chí Science ngày 22-9, báu vật đó là một giọt nước được trích xuất từ việc phân tích 5,4 g đá bụi quý giá mà tàu vũ trụ Hayabusa-2 của Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đem về từ tiểu hành tinh Ryugu cách Trái Đất 300 triệu km.
Ryugu được đặt theo tên của cung điện Rồng trong truyền thuyết Nhật Bản, là tiểu hành tinh hình thành trước cả Trái Đất chúng ta – khoảng 2 triệu năm sau khi hệ Mặt Trời bắt đầu hình thành. Đây là kết quả mà nhóm nghiên cứu đúc kết từ các mô phỏng số, dựa trên các đặc tính vật lý và khoáng vật học của các mẫu.
Những tiểu hành tinh cùng loại với Ryugu từ lâu được cho là hình thành từ bên ngoài hệ Mặt Trời, vô tình bị cuốn hút bởi ngôi sao mẹ của chúng ta rồi đem theo các “hạt mầm sự sống” bao gồm nước và chất hữu cơ đến các hành tinh như Trái Đất, Sao Hỏa…
Các hành tinh non trẻ sẽ nhận được các vật liệu sơ khai nhất từ hàng loạt cú va chạm với tiểu hành tinh và sao chổi, từ chúng mà phát triển, tiến hóa nên đại dương và sinh vật sống, bao gồm chúng ta.
Mẫu vật từ Ryugu đã được chia sẻ cho nhiều nhóm khoa học gia khắp thế giới để tối đa hóa cơ hội khám phá.
Nhóm đứng đầu bởi giáo sư Tomoki Nakamura từ Trường Đại học Tokohu – Nhật Bản, tác giả chính của nghiên cứu mới là nhóm lớn nhất với khoảng 150 thành viên, trong đó 30 người đến từ các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Trung Quốc.
Giáo sư Nakamura khẳng định giá trị của giọt nước này vô cùng lớn: “Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nước được mang đến từ vũ trụ nhưng chúng tôi đã thực sự phát hiện ra nước ở Ryugu, một tiểu hành tinh gần Trái Đất, lần đầu tiên”.
Đây là mẫu nước dạng lỏng ở nhiệt độ phòng duy nhất được phát hiện trên thế giới cho đến nay. Thậm chí, đó còn là một giọt nước cacbonat chứa muối và chất hữu cơ!
Theo Nippon, để tìm ra kho báu vũ trụ này, giáo sư Nakamura và các cộng sự đã phân tích tổng cộng 17 hạt bụi từ Ryugu bằng cách sử dụng nhiều thiết bị hiện đại bao gồm cơ sở bức xạ synctron lớn SPring-8 đặt tại Sayo, tỉnh Hyogo, miền Tây Nhật Bản.
Họ đã kiểm tra chi tiết các hạt bụi có đường kính từ 1-8 mm này, xem xét cẩn thận cấu trúc, thành phần khoáng chất, độ cứng và nhiều tính chất khác.
Giọt nước này cũng chứa carbon dioxide có trong tinh thể pyrotit, khẳng định tiểu hành tinh mẹ của Ryugu được hình thành ở bên ngoài hệ Mặt Trời.
Nhóm tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về báu vật này và hy vọng sẽ đem đến những dữ liệu rõ ràng hơn về hạt mầm sự sống này – được cho là cùng loại với những gì mà Trái Đất cổ xưa nhận được.
Anh Thư
Nguồn: https://nld.com.vn/khoa-hoc/tau-nhat-tim-ra-bang-chung-chung-ta-den-tu-ngoai-he-mat-troi-20220923074958066.htm