Hỏi
Nhiều sinh viên lo ngại rằng học những ngành như địa chất học, hải dương học ra trường sẽ khó tìm việc làm, lương khởi điểm thấp. Thầy/cô có thể chia sẻ một chút về cơ hội nghề nghiệp của những ngành này? Nhà trường có kết nối với các đơn vị/doanh nghiệp để gia tăng cơ hội thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường?
Đáp
Ngành Hải dương học không những trang bị cho sinh viên kiến thức nền cơ bản và chuyên sâu về các quá trình vật lý, hóa học, động lực học, sinh học xảy ra ở khí quyển, mặt đất và đại dương mà còn các kiến thức và kỹ năng về khảo sát, tính toán, dự báo, đánh giá và phân tích liên quan đến môi trường biển, nước và không khí. Vì vậy, Ngành Hải dương học là ngành đặc thù, có tính chuyên sâu và thị trường tuyển dụng khá hẹp. Ngành học này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng và hấp dẫn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nếu có đam mê và nỗ lực, thích khám phá và trãi nghiệm thì cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của ngành Hải dương học vẫn còn nhiều cơ hội. Cụ thể, sinh viên hải dương học có thể làm việc tại các viện nghiên cứu biển, các cơ sở nghiên cứu khai thác hải sản và tài nguyên biển…Sinh viên có thể làm công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, biển đảo; … Làm giáo viên tại các trường phổ thông hoặc trường đại học với các chuyên ngành liên quan đến chuyên môn được đào tạo. Hoặc Học tiếp lên bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ để trở thành các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học trong lĩnh vực được đào tạo.
Trong khoảng vài năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp ngành Hải dương học có xu hướng xin việc và được nhận tại các Viện nghiên cứu như Viện kỹ thuật biển, Trung tâm ứng dụng vũ trụ, trạm kiểm soát không lưu tại sân bay, các Trung tâm khí tượng thủy văn tại các địa phương; hoặc các công ty phân phối thiết bị quan trắc đo đạc thủy hải văn, cũng như các tập đoàn năng lượng tái tạo, các dự án bảo tồn thiên nhiên. Lương khởi điểm của sinh viên còn tùy thuộc vào quy định, vị trí việc làm tại cơ quan thuộc hệ thống nhà nước hoặc hệ thống tư nhân hoặc tập đoàn đa quốc gia…
Hằng năm, Bộ môn vẫn thường xuyên tạo kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan để tổ chức các buổi trao đổi-tọa đàm, trong đó doanh nghiệp có thể chia sẻ những kỳ vọng của mình đối với sinh viên và sinh viên cũng cập nhật được những yêu cầu từ doanh nghiệp. Ngoài ra,ngành Hải dương học còn được định hướng sinh viên có thể học lên bậc cao hơn tại các Trường Đại học hoặc Viện nghiên cứu nước ngoài, tạo điều kiện để sinh viên tham gia các dự án hoặc lớp học quốc tế ngắn hạn, qua đó, sinh viên có thể tăng cường kỹ năng, kiến thức chuyên ngành, và các em có thể chủ động hơn trong việc tìm kiếm học bổng, hoặc dự án để tham gia và nghiên cứu. Các hoạt động thông tin của bộ môn liên quan đến vị trí việc làm, cơ hội nghề nghiệp cũng như trao dồi kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và các tọa đàm doanh nghiệp… đều được cập nhật thường xuyên trên website của bộ môn www.oceanology.hcmus.edu.vn
Chúc các bạn yên tâm theo học ngành Hải dương học tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM.