Nghiên cứu mới về tất các yếu tố tác động đến sự thay đổi mực nước vùng cửa sông của hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai và vùng ven bờ Đồng Bằng Sông Cửu Long do cán bộ của Bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn và các nhà khoa học từ Đại học Kiel (University of Kiel), CHLB Đức công bố. Bài báo có tựa đề “Water-level changes and subsidence rates along the Saigon-Dong Nai River Estuary and the East Sea coastline of the Mekong Delta” và được công bố trên tạp chí uy tín Estuarine, Coastal and Shelf Science (chỉ số IF (impact factor) 3.2). Nghiên cứu này sử dụng các số liệu mực nước thực đo từ các trạm quan trắc hải văn ven bờ của Việt Nam và từ các trạm đo do nhóm nghiên cứu tự thiết lập để ước tính và xác định các biến động của mực nước và mực nước biển dâng từ chu kỳ thủy triều hàng ngày đến hàng thập kỷ. Từ đó, các tính toán định lượng về các tham số mực nước triều (tidal datum) và dải triều (tidal range), tốc độ mực nước biển dâng (relative sea-level rise) và sự sụt lún (subsidence rate) vùng cửa sông Sài Gòn – Đồng Nai và vùng ven bờ Biển Đông của Đồng Bằng Sông Cửu Long được nhóm nghiên cứu thực hiện. Công trình này chứng minh sự tác động kết hợp của tất cả các yếu tố gây nên sự ngập úng vùng ven bờ ở quy mô thời gian ngắn hạn (do thủy triều với các chu kỳ từ hàng ngày đến hàng năm) và dài hạn (do mực nước biển dâng và sụt lún trong khoảng thời gian hàng chục năm hoặc dài hơn). Qua đó, nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các thông tin chi tiết và định lượng của sự thay đổi mực nước cho từng vị trí hoặc khu vực cụ thể trong việc hoạch định các chính sách ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực từ sự thay đổi mực nước vùng cửa sông Sài Gòn-Đồng Nai và vùng ven bờ Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Toàn văn bài báo và các phần phụ lục được tải miễn phí từ đường dẫn: https://doi.org/10.1016/j.ecss.2023.108259

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *