HÀ NỘI – Đêm 27/9, gần 20 cán bộ của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia làm việc liên tục để cập nhật các diễn biến mới nhất của bão Noru.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nằm ở tầng 12 tòa nhà Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, số 8, phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa.
Cơ quan này chịu trách nhiệm cung cấp các bản tin dự báo bão để chính quyền các cấp có phương án phòng chống, người dân cảnh giác với bão.
Để đưa ra bản tin dự báo bão Noru đang đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cách xa trung tâm khoảng 800 km, các tổ chia nhóm phân tích thông số từ 32 phương án tính toán, dữ liệu từ 51 phương án của châu Âu. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên cũng tham khảo các đài quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Philippines…
Trước mỗi tin bão được phát đi, cán bộ trung tâm phải thảo luận nhiều lần để có được thông số chính xác nhất.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chịu trách nhiệm kiểm tra cuối cùng trước khi bản tin dự báo bão được phát đi.
Trước mỗi diễn biến quan trọng, quy mô thảo luận được mở rộng, có sự chỉ đạo của ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn và các chuyên gia đầu ngành.
Trung tâm cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để truyền tải đến người dân. Từ chiều 28/9, hàng chục phóng viên đã túc trực đưa tin liên tục về bão Noru.
Mỗi tin bão chi tiết được phát 3 tiếng một lần, tin bão nhanh phát một tiếng một lần, nên nhân viên làm việc rất khẩn trương.
“Các tin bão được phát trong một khung giờ nhất định. Để đảm bảo thời gian chính xác, chúng tôi luôn hẹn giờ để nhắc nhở”, một chuyên viên khí tượng nói.
Bão Noru vào Biển Đông được bốn ngày, cán bộ, nhân viên của cơ quan khí tượng đã trực ba đêm liên tiếp.
Về khuya, không khí tại trung tâm trở nên trầm lặng. Mỗi người tập trung thực hiện công việc của mình, tất cả chỉ sôi nổi trở lại trước mỗi khi phát bản tin bão.
Noru là cơn bão thứ tư vào Biển Đông trong năm nay. Các chuyên gia đánh giá Noru nhiều khả năng là cơn bão mạnh nhất khi vào miền Trung trong 20 năm trở lại đây. Nó có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ Đà Nẵng – Quảng Nam tháng 9/2006 làm 76 người chết và mất tích; bão Ketsana vào Quảng Nam – Quảng Ngãi cuối tháng 9/2009 làm 174 sinh mạng người chết, thiệt hại vật chất ước tính 14.000 tỷ đồng.
Nguồn: https://vnexpress.net/dem-trang-o-noi-cach-tam-bao-gan-800-km-4516542.html?fbclid=IwAR3T7c37dWs0_lS2ozBhLFbN0hldsL87JCelFKXZlvUEltFrC3VhuEtyP7A