MỸ – Mức CO2 trung bình trong khí quyển tháng 4 vượt 420 ppm, cho thấy hoạt động của con người đang thay đổi đáng kể Trái Đất.

Đài quan sát Mauna Loa, Hawaii, nơi tiến hành các phép đo nồng độ CO2 trong khí quyển từ năm 1958. Ảnh: Chris Finch Photography
Đài quan sát Mauna Loa, Hawaii, nơi tiến hành các phép đo nồng độ CO2 trong khí quyển từ năm 1958. Ảnh: Chris Finch Photography

Tháng 4/2022 có mức CO2 trong khí quyển Trái Đất cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử nhân loại, IFL Science hôm 9/4 đưa tin. Cụ thể, Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego báo cáo, lượng CO2 trung bình tháng đo tại Đài quan sát Mauna Loa, Hawaii, trong tháng 4 là 420,02 ppm. Kết quả đo đạc của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) sau đó cũng cho thấy mức CO2 đạt 421,33 ppm vào ngày 4/5/2022.

Các số liệu trên là dấu hiệu cho thấy hoạt động của con người đang thay đổi đáng kể Trái Đất, trong khi những giải pháp đưa ra vẫn chưa đủ để khắc phục hậu quả.

CO2 là một trong những khí nhà kính quan trọng nhất gắn liền với biến đổi khí hậu và đã tồn tại trong khí quyển nhiều thế kỷ. CO2 tự nhiên hiện diện trong khí quyển ở mức thấp, nhưng nồng độ đã tăng lên kể từ cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19. Các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng góp phần thải ra CO2.

Đài quan sát Mauna Loa, Hawaii, được dùng làm điểm tham chiếu toàn cầu cho CO2 trong khí quyển vì nằm ở độ cao lớn và vị trí xa xôi. Các phép đo nồng độ CO2 được thực hiện tại đây từ năm 1958 – khi mức CO2 vẫn thấp hơn 320 ppm – trở thành chuỗi phép đo lâu nhất không gián đoạn về CO2 trong khí quyển.

Phép đo hồi tháng 4 mới chỉ được coi là dữ liệu sơ bộ, nhưng nó tuân theo một xu hướng đang xảy ra rõ ràng vài thập kỷ gần đây. Trong thập kỷ qua, mức CO2 ghi nhận tại Đài quan sát Mauna Loa tăng dần qua các năm và luôn trên 400 ppm. Lần gần nhất mức CO2 toàn cầu luôn trên 400 ppm là khoảng 4 triệu năm trước, khi thế giới nóng hơn khoảng 3 độ C và mực nước biển cao hơn nhiều so với ngày nay.

CO2 trong khí quyển biến động theo mùa với giá trị trung bình tháng cao nhất xảy ra vào tháng 5, ngay trước khi thực vật ở Bắc bán cầu bắt đầu hút lượng lớn CO2 từ khí quyển trong mùa sinh trưởng. Điều này đồng nghĩa mức trung bình tháng của tháng 5 thậm chí cao hơn tháng 4.

“Có khả năng tháng 5 sẽ còn cao hơn. Chúng ta thực sự cần chú trọng đến việc giảm khí thải. Chúng ta chưa đạt được nhiều thành công trên toàn cầu vì tốc độ CO2 gia tăng vẫn cao như thập kỷ trước”, Pieter Tans, nhà khoa học cấp cao tại Phòng thí nghiệm Chẩn đoán và Theo dõi Khí hậu thuộc NOAA, nhận định.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Nguồn: https://vnexpress.net/muc-co2-trong-khi-quyen-cham-nguong-cao-nhat-lich-su-4461402.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *