(khoahoc.tv) – Một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Nature Geoscience cho thấy, không khí ô nhiễm có một tác động đáng kể tới tổng lượng dòng chảy của nhiều sông suối tại bán cầu Bắc.
Bài báo chứng minh loại ô nhiễm, được biết đến là các sol khí (aerosol) có thể tác động tới môi trường tự nhiên và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các nhân tố này trong khi đánh giá về biến đổi khí hậu tương lai.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Geoscience là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà khoa học tại Met Office, Trung tâm Sinh thái và Thủy văn (Centre for Ecology and Hydrology), trường đại học Reading, phòng thí nghiệm Laboratoire de Météorologie Dynamique tại Pháp, và trường đại học Exeter.
Nicola Gedney, nhà khoa học đến từ Met Office và là tác giả chính của bài báo nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi phát hiện thấy tác động mặt trời bị che mờ đối với việc thúc đẩy lưu lượng sông ngòi trên các khu vực tại các vùng cận nhiệt đới phía Bắc công nghiệp hóa mạnh. Chúng tôi ước tính trong phần lớn những lưu vực sông tại trung tâm châu Âu ô nhiễm, tác động này dẫn tới một sự gia tăng lưu lượng tới 25% khi nồng độ sol khí ở mức đỉnh điểm vào khoảng năm 1980. Cùng với tình trạng thiếu nước trở thành một trong những tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai, những phát hiện này rất quan trọng khi đưa ra các dự báo cho tương lai”.
Các nhà khoa học trước đây cũng đã chứng minh hoạt động đốt than chứa lưu huỳnh gia tăng cuối những năm 1970 đã dẫn đến hình thành nhiều sol khí trong khí quyển. Sol khí (aerosol) trong khí quyển là các hạt rắn hoặc lỏng tồn tại lơ lửng trong không khí. Sol khí trong khí quyển có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Các sol khí là những vật cản phản xạ ánh sáng mặt trời và do đó làm giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu đến bề mặt trái đất, hiệu ứng này được gọi là “mờ ánh sáng mặt trời” (solar dimming). Tình trạng này đã buộc các quốc gia tại châu Âu và Bắc Mỹ ban hành những quy định về không khí sạch và dẫn đến sự chuyển đổi rộng rãi trong việc sử dụng các loại nhiên liệu sạch hơn.
Trong nghiên cứu mới nói trên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy tình trạng mờ ánh sáng mặt trời làm tăng lưu lượng dòng chảy của sông suối có thể liên quan tới các hiện tượng khí tượng bề mặt, như giảm lượng chiếu sáng của mặt trời dẫn đến tốc độ bốc hơi trên bề mặt trái đất bị ảnh hưởng. Khi tình trạng mờ ánh sáng mặt trời được đảo ngược, các nhà khoa học đã quan sát thấy hiện tượng giảm lưu lượng dòng chảy của sông.
Chris Huntingford, một trong những đồng tác giả của bài báo đến từ Trung tâm Sinh thái và Thủy văn cho biết: “Nghiên cứu này có sử dụng các kỹ thuật giúp làm rõ mối quan hệ giữa các sol khí và các biến đổi về lưu lượng nước của sông”.
Những nghiên cứu như nghiên cứu này thường xem xét các nhân tố tác động tới nhiệt độ khác nhau như thế nào, nhưng ở đây chúng tôi có thể đánh giá ảnh hưởng nhân tạo tới một tác động môi trường”.
“Ngoài ra chúng tôi cũng phát hiện thấy một dấu hiệu nữa cho thấy gia tăng khí cacbonic có thể làm tăng lưu lượng dòng chảy của sông suối thông qua làm giảm thoát hơi nước của thực vật”, đồng tác giả Peter Cox đến từ trường đại học Exeter cho biết.
Phạm Thị Bích Thu (sciencedaily)
Nguồn: https://khoahoc.tv/o-nhiem-khong-khi-lam-tang-luu-luong-nuoc-song-56537