Các nhà nghiên cứu của Đại học Haverford (Mỹ) đã tìm được những ngôi sao xa xôi nhất trong Dải Ngân hà, một phát hiện có thể giúp xác định sự hình thành của thiên hà chúng ta.
John Bochanski, trưởng nhóm nghiên cứu và là trợ lý giáo sư của Đại học Haverford, đã nghiên cứu các vì sao cách đây đến 500.000 năm ánh sáng.
Giới thiên văn học đã chạm đến rìa của Dải Ngân hà – (Ảnh: NASA)
Kết quả là nhóm của ông đã có thể định vị được 2 ngôi sao có tên ULAS J0744+25 và ULAS J0015+01, với khoảng cách ước tính lần lượt là 775.000 và 900.000 năm ánh sáng so với Trái đất.
Để minh họa cho khoảng cách vĩ đại giữa những ngôi sao trên với địa cầu, ông Bochanski minh họa bằng ví dụ ánh sáng phát ra từ ULAS J0015+01 rời khỏi hành tinh này vào thời điểm tổ tiên loài người mới học được cách tạo ra lửa.
Theo Space.com, các chuyên gia đã sử dụng thông số thu thập từ cuộc Khảo sát Bầu trời Sâu Hồng ngoại UKIRT và Khảo sát Bầu trời Kỹ thuật số Sloan.
Những ngôi sao này thuộc nhóm sao khổng lồ đỏ, dạng khá hiếm so với sao lùn đỏ, và ánh sáng tỏa ra từ sao khổng lồ đỏ cho phép dễ dàng định vị chúng bất chấp khoảng cách.
Các chuyên gia đang lên kế hoạch thu thập một số lượng lớn các sao khổng lồ đỏ trong nỗ lực tái tạo sự hình thành của Dải Ngân hà, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astrophysical Journal Letters.
Nguồn: https://khoahoc.tv/phat-hien-sao-xa-nhat-trong-dai-ngan-ha-54929