Các nhà khoa học vừa phát hiện ra rạn san hô lớn nhất thế giới ở mũi phía Đông Nam của quần đảo Solomon (Thái Bình Dương) trong khu vực được gọi là Three Sisters.

Rạn san hô này rộng 34m và dài 32m (tương đương 2 sân bóng rổ), có tuổi đời ít nhất 300 năm và có thể nhìn thấy từ không gian.

Phát hiện này được công bố vào ngày 14/11 khi các lãnh đạo toàn cầu tụ họp tại thủ đô Baku của Azerbaijan để tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu (COP29) của Liên Hợp Quốc .

Phát hiện độc nhất

Rạn san hô khổng lồ được phát hiện trong một cuộc thám hiểm khoa học do nhóm nghiên cứu Pristine Seas của National Geographic triển khai vào tháng 10 để nghiên cứu sức khỏe đại dương tại quần đảo Solomon.

Theo Pristine Seas, nó lớn gấp 3 lần so với kỷ lục trước đó là rạn san hô Big Momma ở Samoa (Mỹ) và dài hơn cả cá voi xanh, loài động vật lớn nhất trên hành tinh.

Khác với các rạn san hô thường được tạo thành từ nhiều quần thể, rạn san hô này là một cá thể duy nhất đã phát triển liên tục trong nhiều thế kỷ.

Enric Sala, nhà thám hiểm của National Geographic và người sáng lập Pristine Seas, chia sẻ: “Ngay khi chúng ta nghĩ rằng không còn gì để khám phá trên Trái đất, chúng ta lại tìm thấy một rạn san hô khổng lồ được tạo thành từ gần 1 tỷ polyp nhỏ, đang đập rộn ràng với sự sống”.

Nhìn từ trên cao, rạn san hô trông giống như một tảng đá nâu khổng lồ, nhấp nhô. Một số người trong đoàn thám hiểm ban đầu thậm chí còn nhầm nó với xác tàu đắm.

Chuyên gia sinh vật học biển kiêm nhà quay phim dưới nước Manu San Félix đã lặn xuống để quan sát.

“Ngay giây đầu tiên, tôi nhận ra rằng mình đang nhìn thấy một thứ vô cùng độc nhất. Nó gần bằng kích thước của một nhà thờ lớn”, ông nói.

Các nhà khoa học sau đó đã kiểm tra hình ảnh vệ tinh và phát hiện ra rằng rạn san hô này lớn đến mức có thể quan sát từ không gian.

Rạn san hô là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật biển như cá, cua và tôm. San Félix đã ví nó như một cuốn bách khoa toàn thư sống, lưu trữ thông tin về tình trạng đại dương trong hàng trăm năm qua

Kích thước khổng lồ của nó cũng gây ra một số trở ngại trong việc đo đạc, vì các thước đo của các nhà khoa học không đủ dài. Họ buộc phải làm việc theo nhóm hai người, kéo dài thước đo giữa họ.

Tìm thấy sinh vật sống lớn nhất thế giới dưới đáy đại dương: Ít nhất 300 năm tuổi, kích thước to bằng 2 sân bóng đá, lớn đến mức có thể nhìn thấy từ không gian - ảnh 2
Một thợ lặn bơi dọc theo rạn san hô khổng lồ, được tạo thành từ gần 1 tỷ polyp. Ảnh: Manu San Félix, National Geographic

Tia hy vọng mới

Phát hiện này đem lại một tia sáng tích cực hiếm hoi giữa nhiều tin tức xấu về đại dương.

San hô không chỉ quan trọng đối với các sinh vật biển phụ thuộc vào chúng để kiếm ăn và trú ẩn, mà còn đối với cả con người. Chúng hỗ trợ ngành thủy sản, là nguồn thực phẩm gián tiếp cho khoảng 1 tỷ người và giúp giảm thiểu tác động của bão cũng như mực nước biển dâng cao.

Đối với quần đảo Solomon, rạn san hô khổng lồ này có thể thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch và thúc đẩy nguồn tài trợ bảo tồn, ông Dennis Marita, Giám đốc Văn hóa của Bộ Văn hóa và Du lịch, nhận định.

“Đây là điều có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cộng đồng của chúng tôi”, ông nói.

Tìm thấy sinh vật sống lớn nhất thế giới dưới đáy đại dương: Ít nhất 300 năm tuổi, kích thước to bằng 2 sân bóng đá, lớn đến mức có thể nhìn thấy từ không gian - ảnh 3
Rạn san hô lớn đến mức có thể nhìn thấy từ không gian và lớn hơn gần gấp 3 lần so với kỷ lục trước đó. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, vẫn có “lý do để lo ngại,” theo nhà sáng lập Pristine Seas.

Ông lưu ý: “Mặc dù nằm ở vị trí hẻo lánh, nhưng rạn san hô này vẫn không tránh khỏi tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu và các mối đe dọa do con người gây ra”.

Các chuyên gia nhấn mạnh, san hô đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ các yếu tố địa phương như đánh bắt quá mức làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, ô nhiễm công nghiệp và nước thải.

Nhưng mối đe dọa lớn nhất là một vấn đề toàn cầu – khủng hoảng khí hậu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tháng trước, các nhà khoa học từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận hiện tượng “tẩy trắng” san hô toàn cầu đã đạt mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, do nhiệt độ đại dương tăng cao chưa từng có.

Đây là hiện tượng xảy ra khi nước biển quá ấm và tảo (phần lớn thức ăn của san hô đến từ tảo cộng sinh sống bên trong polyp) biến mất khiến san hô chuyển sang màu trắng – về cơ bản, có nghĩa là nó đang chết đói.

Tìm thấy sinh vật sống lớn nhất thế giới dưới đáy đại dương: Ít nhất 300 năm tuổi, kích thước to bằng 2 sân bóng đá, lớn đến mức có thể nhìn thấy từ không gian - ảnh 4
Cận cảnh quần thể san hô khổng lồ. Ảnh: National Geographic Pristine Seas

Hơn 40% các loài san hô tạo rạn nước ấm hiện phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, chủ yếu do biến đổi khí hậu, theo Sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố hôm 14/11.

Dù rạn san hô khổng lồ này vẫn dễ bị tổn thương, các nhà khoa học tin rằng sức khỏe và tuổi thọ của chúng mang lại một tia hy vọng.

Derek Manzello, điều phối viên của chương trình giám sát rạn san hô thuộc NOAA, bình luận: “Sự tồn tại của loài san hô này, vốn đã hàng trăm năm tuổi, cho thấy rằng vẫn còn cơ hội để cứu các rạn san hô”.

Emily Darling, Giám đốc chương trình về san hô tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cũng đồng tình với quan điểm của ông.

Bà nói: “Điều này cho thấy vẫn còn những điều kiện môi trường mà san hô có thể tồn tại và phát triển, ngay cả trong bối cảnh tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu”.

Theo CNN

Nguồn: https://nguoiquansat.vn/tim-thay-ca-the-san-ho-lon-nhat-the-gioi-duoi-day-dai-duong-it-nhat-300-nam-tuoi-lon-den-muc-co-the-nhin-thay-tu-khong-gian-177622.html