Lục địa Zealandia đóng vai trò là cầu nối giúp các loài sinh vật di chuyển qua lại giữa Australia và Nam Cực cách đây 80 triệu năm.

Bản đồ lục địa Zealandia. Ảnh: Geosociety.org.

Đây là phát hiện được một nhóm nghiên cứu quốc tế công bố hôm 27/9, sau chuyến thám hiểm lục địa Zealandia kéo dài hai tháng, bao gồm các khám phá hóa thạch và bằng chứng chuyển động kiến tạo quy mô lớn. Đây là một trong những cuộc khảo sát sâu rộng đầu tiên của khu vực. 

Zealandia, vùng đất rộng lớn bị ngập dưới nước ở phía nam Thái Bình Dương, được công bố là lục địa mới của Trái Đất vào đầu năm nay trong bài báo đăng trên tạp chí của Hiệp hội Địa lý Mỹ, theo Guardian. Nó bao gồm đảo Lord Howe nằm ở phía đông Australia, New Caledonia và New Zealand.

“Việc khám phá ra những mảnh vỏ cực nhỏ của sinh vật từng sống ở vùng nước nông ấm áp, bào tử và phấn hoa của thực vật trên cạn, cho thấy vị trí địa lý và khí hậu của Zealandia khác biệt rất nhiều trong quá khứ”, Gerald Dickens, giáo sư tại Đại học Rice, Mỹ, nói.

Nhóm nghiên cứu khoan sâu hơn 860 m dưới đáy biển tại sáu địa điểm khác nhau trên khắp khu vực Zealandia. Các lõi trầm tích thu được cho thấy bằng chứng về sự thay đổi kiến tạo và sinh thái qua hàng triệu năm.

“Các lõi khoan giống như cỗ máy thời gian, cho phép chúng tôi tiếp cận xa hơn trong quá khứ. Chúng tôi đang viết lại lịch sử địa chất và kiến tạo của lục địa Zealandia tại địa điểm khoan”, Stephen Pekar, nhà nghiên cứu trên tàu khoan thăm dò khoa học JOIDES Resolutioni, cho biết.

Lục địa Zealandia rộng 5 triệu km2, gần bằng kích thước của tiểu lục địa Ấn Độ. Nó tách khỏi Australia và Nam Cực như một phần của siêu lục địa Gondwana khoảng 80 triệu năm trước.

“Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với việc trả lời các câu hỏi khoa học lớn, chẳng hạn như động vật và thực vật phân tán và tiến hóa ở khu vực phía nam Thái Bình Dương như thế nào. Lục địa Zealandia từng có một số vùng biển cạn và dải đất cho phép sinh vật di chuyển qua lại giữa các lục địa Australia và Nam Cực thời cổ đại”, Rupert Sutherland, giáo sư tại Đại học Victoria, New Zealand, nói.

Lê Hùng

Nguồnhttps://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/luc-dia-ngam-duoi-thai-binh-duong-noi-australia-va-nam-cuc-3650219.html