Trong bốn năm đại học, có thể nói năm nhất và năm hai là những năm khá khó khăn đối với các bạn sinh viên. Năm nhất, các bạn phải đối mặt với những điều hết sức mới mẻ, khác hẳn với những năm tháng học phổ thông cả về vấn đề học tập và cuộc sống. Nhưng điều đó đã giúp cho các bạn có nhiều kiến thức, kỹ năng và ý chí hơn để tiếp tục con đường đại học. Sang năm hai, mọi thứ bắt đầu quen dần; trong chương trình đào tạo bắt đầu xuất hiện các môn cơ sở ngành-chuyên ngành giúp cho các bạn hiểu hơn về ngành mình đang học. Đây cũng chính là 2 năm học giúp các bạn xác định rõ hơn về niềm đam mê với ngành Hải dương học, từ đó, các bạn có thể vững bước tiếp tục vào giai đoạn chuyên ngành và theo đuổi ước mơ của mình.

Trong những ngày cuối cùng kết thúc năm thứ hai, bạn Cao Mạnh Nhất, sinh viên khóa 2023, sinh viên năm thứ hai ngành Hải dương học đã có những chia sẻ và cảm nhận của mình về quá trình học tập ngành Hải dương học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM như sau:

Em xin tự giới thiệu em là Cao Mạnh Nhất, MSSV: 23210011. Em rất vui vì em đã trải qua hai năm học với ngành Hải Dương Học, đến bây giờ em vẫn cảm thấy đúng đắn khi đã đặt nguyện vọng vô ngành của mình. Và sau đây là cảm nhận về ngành của mình ạ. Hồi năm 1, em cũng như bao các bạn vẫn còn băn khoăn và hơi lo lắng về cơ hội việc làm cũng như kiến thức vì được nghe mọi người nói rằng học khó học nặng nhưng cơ hội việc làm lại không cao và cũng không biết sẽ được học những kiến thức gì. Tuy nhiên vào môn Giới thiệu ngành, em đã được thầy cô giới thiệu về rõ hơn về ta sẽ học gì như học về sóng, dòng, triều, các quá trình động lực,.. bên cạnh đó em cũng được tham gia về buổi tập huấn phòng chống đuối nước với các kỹ năng cơ bản và cách đi thực địa an toàn. Đây là một hình thức học giúp chúng em không những có thêm những kiến thức cơ bản mà còn có thêm kỹ năng rất hữu ích. Và đến kì 2 năm 1 em có học môn Lập Trình Ứng Dụng, nghe đến lập trình là em rất sợ vì phải code nhưng mà thầy Nguyễn Công Thành đã nói một câu mà em ghi nhớ “Các em đừng sợ lập trình vì lập trình chỉ là công cụ hỗ trợ cho chúng ta thôi”, cũng nhờ câu động viên của thầy mà em cũng đỡ sợ lập trình hơn.

Hình 1: Sinh viên Mạnh Nhất trình bày poster môn Giới thiệu ngành (ảnh trái) và tham gia buổi giới thiệu thiết bị khảo sát tại phòng thí nghiệm BM HD, KT & TV (ảnh phải)

Đến đầu năm 2, chúng em dần tiếp cận cơ sở ngành và môn đầu tiên là Phương Pháp Tính của thầy Đặng Trường An môn học này thuần túy về tính toán toán học có những công thức rất khô khan. Nhưng thầy đã biến những kiến thức khô khan ấy thành những câu chuyện hay những cách áp dụng vô đi thực địa làm dự án như thế nào để giúp em dễ hình dung ra. Và đến kì 2 năm 2 thì em được tiếp cận các môn Hải Dương, Thủy Văn, Khí Tượng đại cương. Đầu tiên là về Hải Dương học do cô Võ Lương Hồng Phước hướng dẫn cô tạo cho chúng em một môi trường học thoải mái và dễ gần đôi lúc có những câu đùa của cô làm tụi em phải cười vì đang trong bài giảng khô khan như vậy nhưng cô vẫn có những câu đùa hài hước dí dỏm. Tiếp đến là môn Thủy Văn, trong môn này em cảm thấy thầy không phải là một giảng viên đang giảng bài mà như là một đàn anh đi trước đang truyền đạt lại những kinh nghiệm bài học quý giá. Tiếp là môn Khí Tượng, cô Tô Lệ Thu và cô Nguyễn Vĩnh Xuân Tiên đã giúp em có thêm hứng thú với ngành khí tượng và hiểu rõ hơn khi ra làm việc thì chúng ta sẽ phải làm những gì, cần phải trau dồi thêm những kiến thức gì,.. Tiếp đến là môn Cơ Chất Lỏng do thầy Lâm Văn Hạo rất hay và thú vị ạ, những buổi giải bài tập hay ôn tập em lên giải nhưng có những câu khó giải hoài không ra em và thầy cùng nhau tìm ra lời giải có khi gần cả tiếng đồng hồ và khi giải ra được rồi thì lại cảm thấy vui và tự hào vì em đã cùng thầy suy nghĩ ra được cách giải mà không bỏ cuộc. Cuối cùng là môn Đo Đạc và phân tích, tuy đôi lúc deadline thầy giao khá nhiều và khiến tụi em hơi áp lực nhưng nhờ vậy mà tụi em rèn được tính kỷ luật về cách làm bài khoa học, cách báo cáo, tính tỉ mỉ, cận trọng trong nghiên cứu,..Bên cạnh đó gần đây thầy cô đã tạo điều kiện cho chúng em đi thực địa ở cầu Bửu Hòa, sông Đồng Nai để biết cách đi lấy số liệu và cách dùng máy đo trong một ngày đi thực địa sẽ như nào.

Ngoài ra em còn được tiếp xúc với cô Oanh em ấn tượng với cách nói chuyện hài hước dí dỏm của cô mặc dù em chỉ đi ôn Lí Đại Cương 2 với cô. Cuối cùng là cô Quý, cô là người đầu tiên cho em xin cảm nhận về ngành này khi em đang bắt đầu tìm hiểu về ngành của mình, cô đã cảm nhận chi tiết và thực tế nhất bên cạnh đó còn có những lời khuyên hữu ích cho em. Em một lần nữa xin cảm ơn quý thầy cô trong bộ môn đã giúp em ngày càng tiến bộ và phát triển hơn để có được một Mạnh Nhất như ngày hôm nay để em có thể tự hào nói rằng em là Khóa 23 của ngành Hải Dương Học khoa Vật Lý-Vật Lý Kỹ Thuật, trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG-HCM.

Hình 2: Sinh viên Mạnh Nhất tham gia hoạt động xuân tình nguyện (ảnh trái) và giao lưu với sinh viên Trường ĐH Tasmania, Úc (ảnh phải)

Cảm ơn Cao Mạnh Nhất đã có những chia sẻ về quá trình học tập ngành Hải dương học hết sức chi tiết và đầy tình cảm. Chúc em và sinh viên ngành Hải dương học sẽ có những ngày tháng học tập thật tốt, đạt kết quả thi thật cao để tận hưởng kỳ nghỉ hè sắp tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *