Sáng nay, PGS.TS Trần Đăng An đã có buổi seminar giới thiệu về “Một số ứng dụng điển hình của kỹ thuật thủy văn đồng vị trong tự nghiên cứu tài nguyên nước và Môi trường.” tại Phòng I11 sáng ngày 03/07/2025, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc cơ sở Nguyễn Văn Cừ.


PGS. An đã có buổi chia sẻ chuyên đề về ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong việc xác định nguồn nước ngầm và theo dõi quá trình vận chuyển đồng vị trong nước theo chu trình thủy văn. Phương pháp này không chỉ có giá trị trong nghiên cứu chu trình nước mà còn có thể được ứng dụng trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, phân biệt giữa nguồn tự nhiên và nhân tạo. Cụ thể, nghiên cứu sử dụng đồng vị bền của a hydro (δ²H) và oxy (δ¹⁸O) để phân tích nguồn gốc và quá trình hình thành của nước mặt và nước ngầm tại khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy, quá trình bốc hơi là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thay đổi thành phần đồng vị, đặc biệt rõ rệt trong mùa khô. Trong khi đó, sự pha trộn giữa nước ngọt và nước mặn có ảnh hưởng nhỏ đến thành phần đồng vị, nhưng lại góp phần làm tăng đáng kể nồng độ ion chloride (Cl⁻).
Nước ngầm ở các tầng nông chủ yếu bắt nguồn từ nước mưa và nước mặt, với mức độ bay hơi và xâm nhập mặn tương đối thấp. Ngược lại, nước ngầm ở các tầng sâu có thể được tái nạp từ các nguồn nước mặt đã trải qua quá trình bay hơi trong thời kỳ băng hà, với bằng chứng về sự xâm nhập mặn cổ đại. Kết luận cho thấy đồng vị bền là công cụ hiệu quả trong việc truy vết nguồn nước và hiểu rõ các quá trình môi trường, góp phần hỗ trợ quản lý và bảo vệ tài nguyên nước một cách bền vững tại các khu vực ven biển.

Qua bài chia sẻ của PGS. An, chúng ta nhận thấy rằng kỹ thuật đồng vị không chỉ là công cụ hiệu quả trong nghiên cứu khoa học môi trường mà còn mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng trong quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp. Đây là hướng nghiên cứu đầy ý nghĩa và tiềm năng trong tương lai.
Nguồn: BM HD, KT&TV