Nguyên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những nhìn nhận thẳng thắn, trực diện về những ‘nút thắt’ cần tháo gỡ để phát triển tỉnh này thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Cái Mép - Thị Vải là tài nguyên quốc gia, là vốn tự nhiên quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển. Trong ảnh là một siêu tàu container cập cảng năm 2023 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cái Mép – Thị Vải là tài nguyên quốc gia, là vốn tự nhiên quan trọng để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển. Trong ảnh là một siêu tàu container cập cảng năm 2023 – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Sáng 13-5, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo để nghe ý kiến đóng góp cho đề án phát triển tỉnh này thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn – trưởng nhóm tư vấn xây dựng đề án – khẳng định Bà Rịa – Vũng Tàu có đủ 5 yếu tố về vốn gồm tự nhiên, kinh tế, con người, xã hội và chính trị để thúc đẩy, phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. 

Nhưng theo chuyên gia này, hiện tỉnh cũng phải đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, khai thác quá mức tài nguyên biển.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng phác thảo mô hình kinh tế biển Bà Rịa – Vũng Tàu gồm các ngành: cảng biển, logistics, dầu khí, công nghiệp, du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản, đô thị biển.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Đ.HÀ
Ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Đ.HÀ

Đáng chú ý là ý kiến của các nguyên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại hội thảo đã nhận diện thẳng những “nút thắt” từ thực tiễn trong quá trình công tác.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết nút thắt là cơ chế vĩ mô và phân cấp, phân quyền. Ông nhận định hiện đã có phân cấp, phân quyền nhưng không trọn gói. Do đó ông đề nghị cần cải tiến, đổi mới, làm rõ việc phân cấp, phân quyền.

“Phân cấp cho chính quyền địa phương trọn gói chứ không thể bị cắt khúc. Nếu phân cấp. phân quyền trọn gói từ A đến Z, tôi tin chúng ta có điều kiện để phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định.

Bốc xếp container ở cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Bốc xếp container ở cảng Cái Mép – Thị Vải – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Còn ông Nguyễn Trọng Minh, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị hành chính nhà nước phải thông suốt và thống nhất, thể hiện qua pháp luật.

“Cần sửa đổi để làm sao các địa phương thực hiện thẩm quyền của mình. Và người ta phát huy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là ở chỗ này”, nguyên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.

Ông cho rằng để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia trước hết cần phải có trung tâm, hệ thống nghiên cứu về biển, về hải dương.

“Vận tải biển là cực kỳ quan trọng. Một trung tâm kinh tế biển không thể không có vận tải biển. Không phải cảng của mình mà tàu của người ta. Mua thì tàu người ta chở đến cho mình. Còn bán thì tàu người ta cũng đến chở cho mình”, ông Trọng Minh nhấn mạnh.

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải - là tài nguyên, lợi ích của quốc gia - Ảnh: Đ.H
Một góc cảng Cái Mép – Thị Vải – là tài nguyên, lợi ích của quốc gia – Ảnh: Đ.H

Ngoài ra cần phải xác định Cái Mép – Thị Vải là lợi ích của quốc gia, chứ không riêng của Bà Rịa – Vũng Tàu. “Cảng lớn phải có đường sắt, có các điểm tập kết hàng ngoài cảng thì bốc dỡ hàng hóa, giải phóng cảng mới nhanh”, ông Nguyễn Trọng Minh đề nghị.

Tháng 12-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến 2030 là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tầm nhìn đến 2050, tỉnh này cũng là trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, đồng thời là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Cần có trang trại điện gió ngoài khơi trong phát triển kinh tế biển

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh cần có các trang trại điện gió ngoài khơi để phát triển năng lượng tái tạo đại dương vì đây là xu hướng mà Việt Nam “không thể đứng ngoài cuộc”.

“Các doanh nghiệp nước ngoài họ muốn tôi giới thiệu khu công nghiệp xanh, cần có chứng chỉ carbon, chứng chỉ phát thải ròng để hưởng ưu đãi khi xuất hàng sang châu Âu”, ông Anh Tuấn chia sẻ.

Chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi xuất khẩu ra nước ngoài do Tổng công ty PTSC thực hiện tại Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi xuất khẩu ra nước ngoài do Tổng công ty PTSC thực hiện tại Vũng Tàu – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Còn ông Nguyễn Văn Cẩm, tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu (Vungtau Ship), góp ý rằng cần xây dựng bến chuyên dùng tàu đưa đón hoa tiêu. Đồng thời cần thành lập ban chỉ huy của địa phương ứng phó với tình huống khẩn cấp trên biển.

ĐÔNG HÀ

Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-mat-nut-that-ngan-ba-ria-vung-tau-thanh-trung-tam-kinh-te-bien-20240513153405312.htm?gidzl=azb-F534WbELnNOxLT-ANP35TZHFt81VYi0dC1dNsbtSoIba6u2F2TBEUsuLXOe8t9CkPZNnByLVKC63K0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *