Đường bờ biển dài, vùng lãnh hải lớn của nước ta là cơ hội để ngành hải dương học phát triển nhưng vẫn có quá ít học sinh THPT thực sự hiểu rõ để chọn học ngành này ở bậc ĐH.
Hải dương học mang đến nhiều trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên
Đam mê nghiên cứu những ảnh hưởng của địa lý, biển cả đến cuộc sống của con người, một số bạn trẻ bỏ ngoài tai những định kiến về ngành học để theo đuổi ước mơ với ngành hải dương học.
Nguyễn Thị Mỹ Huyên, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TP.HCM, đã chọn chuyên ngành hải dương-khí tượng-thủy văn, bỏ qua định kiến rằng nữ giới không phù hợp.
“Chương trình học được phân bố với những kiến thức áp dụng vào thực tế rất hiệu quả như cách xem bản đồ, cơ hội thực tập ở đài khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, tôi có dịp được ra Nha Trang, sử dụng các thiết bị đo, được thả máy, lắp đặt máy, thu thập số liệu và viết bảng báo cáo tổng hợp kết quả”, nữ sinh viên nói.
Tương tự, Bùi Minh Thiện, sinh viên năm 3 ngành hải dương học Trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Trong quá trình học, tôi đã đi thực địa Cần Giờ, được sử dụng máy móc, quan sát các hiện tượng như sóng biển, dòng chảy, hướng gió. Để dự báo gió và bão của một trạm nào đó, các số liệu sẽ được nhập vào máy tính, người làm việc ở trạm sẽ thống kê, áp dụng các mô hình, kiến thức chuyên môn để xác định bão, thông báo cho người dân”.
Còn Trần Quang Hưng, sinh viên năm thứ 3 ngành hải dương học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết ngành học hiện tại cả khóa chỉ có 3 sinh viên.
“Tôi quyết định theo hải dương học để khám phá biển cả, phát triển khoa học biển và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khoảng thời gian thực tập khảo sát hải văn trên đảo Hòn Dấu (Hải Phòng), vừa say sóng vừa phải ghi số liệu lúc thực hành thả máy đo trên thuyền thả neo là kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên”, Hưng kể.
Ngành hải dương học có nhiều ứng dụng
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Võ Lương Hồng Phước, Trưởng bộ môn hải dương, khí tượng và thủy văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ngành hải dương học là lĩnh vực nghiên cứu đa ngành liên quan đến toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học địa chất và môi trường.
“Chúng tôi đang đào tạo 4 chuyên ngành: hải dương học, khí tượng học, thủy văn học và hải dương-khí tượng-thủy văn. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng phân tích, đánh giá và dự báo về các hiện tượng như quá trình xói mòn, bồi tụ đường bờ biển và vùng ven bờ, sự xâm nhập mặn, sự phát triển của hệ sinh thái rừng ngập mặn… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại Viện Hải dương học, các đài khí tượng thủy văn, Viện Kỹ thuật biển… để sinh viên hiểu hơn về chuyên ngành đang theo học”, bà Phước thông tin.
Tại khu vực phía bắc, tiến sĩ Công Thanh, Trưởng khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay hiện tại 3 ngành đào tạo của khoa được xây dựng chương trình tương thích với các chương trình đào tạo trên thế giới. “Trong đó, hải dương học giúp nghiên cứu các quá trình trong biển cũng như các quá trình ven bờ biển (công trình biển, xói lở bờ biển, quy hoạch bãi biển…)”, tiến sĩ Thanh chia sẻ.
Nói về định kiến ngành học quá vất vả, di chuyển nhiều, cả hai chuyên gia kể trên đều cho rằng đây là suy nghĩ mà nhiều thí sinh đặt ra khi chưa hiểu đúng về ngành học. “Ngành hải dương học hay khoa học biển rất phổ biến trên thế giới, cùng với đó, ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên rất cần những người có chuyên môn đóng góp giải pháp. Sinh viên sau tốt nghiệp ngoài công tác tại cơ quan nhà nước còn có thể làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tuyển dụng nhân sự về đo đạc thủy văn hay nghiên cứu năng lượng tái tạo…”, PGS-TS Võ Lương Hồng Phước thông tin.
Đào tạo không đáp ứng được một nửa nhu cầu
Là ngành học gắn liền với sự phát triển đất nước vì Việt Nam có đường bờ biển dài, tuy nhiên, tình hình tuyển sinh của ngành hải dương học-khí tượng-thủy văn đang giảm sút trầm trọng.
PGS-TS Võ Lương Hồng Phước cho biết số lượng đào tạo sinh viên tốt nghiệp hàng năm của ngành đạt dưới 50% nhu cầu tuyển dụng của xã hội. “Lý do có thể xuất phát từ xu hướng chọn lựa nghề nghiệp chung của xã hội khiến thí sinh không mặn mà với khối ngành nghiên cứu. Là ngành đặc thù, yêu cầu đa dạng các kiến thức về toán, vật lý, hóa học và sinh học nên người học phần nào e ngại”, bà Phước cho biết.
Tiến sĩ Công Thanh thì nêu thực trạng: “Chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho phép là 30 sinh viên cho một ngành mỗi năm, tuy nhiên những năm gần đây khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ tuyển được khoảng 30-40% tổng số chỉ tiêu. Mặc dù ngành hải dương học đặc biệt quan trọng và không thể thiếu được cho sự phát triển kinh tế nhưng hiện tại lại ít được thí sinh, người dân biết đến”. Vì thế, ông Thanh kiến nghị giải pháp nên có nhiều công ty tư nhân khai thác vào lĩnh vực này để giải quyết bài toán thu nhập đầu ra của sinh viên.
Về định kiến ngành học chỉ phù hợp cho nam giới, chị Phạm Vũ Phương Trang, nghiên cứu viên tại Viện Kỹ thuật biển, TP.HCM, cho rằng: “Ngành hải dương học không phân biệt nam hay nữ, chỉ cần có đam mê thì có thể theo đuổi con đường nghiên cứu thủy động lực hải văn. Ngành nghề nào cũng có tính chất và đặc thù riêng, làm khoa học thì không thể tách rời thực tế nên việc đi đến tận nơi để quan sát, đánh giá là rất cần thiết nhưng vẫn còn các công tác khác như tính toán, phân tích trong văn phòng hay phòng thí nghiệm”.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Kim Thảo, nghiên cứu viên tại phòng nghiên cứu hải dương học-Viện Kỹ thuật biển, nhận định hiện nay biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề nổi cộm cần được chú ý, do đó, ngành hải dương-khí tượng và thủy văn sẽ là một trong những ngành xu hướng trong công tác nghiên cứu và đưa giải pháp . “Làm việc trong ngành không chỉ đơn giản để kiếm sống mà còn mang tính nhân văn và ý nghĩa quan trọng đối với môi trường toàn cầu”, chị Thảo nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhan-luc-nganh-hai-duong-hoc-chi-dap-ung-duoi-50-nhu-cau-tuyen-dung-vi-sao-185230421190618897.htm