Bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn, Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Tp. HCM, được giao nhiệm vụ đào tạo hệ cử nhân ngành Hải dương học. Đây là một trong hai cơ sở đào tạo ngành Hải dương học cho cả nước.
Chương trình đào tạo bậc đại học ngành Hải dương học nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quát và chuyên sâu về các quá trình vật lý, động lực và sinh địa hóa trong đại dương, khí quyển, cũng như trong hệ thống sông, hồ và cửa sông.
Chương trình đào tạo đại học của ngành theo qui định hiện hành của Bộ GD&ĐT gồm 140 tín chỉ, trong đó có 60 tín chỉ đại cương và 80 tín chỉ cơ sở ngành và chuyên ngành. Sinh viên sẽ có bốn hướng chuyên ngành để lựa chọn: Hải dương học; Khí tượng học; Thủy văn học và Hải dương – Khí tượng – Thủy văn
Một số môn học cụ thể của ngành
Môn cơ sở: Hải dương học đại cương, Khí tượng học đại cương, Thủy văn học đại cương, Thiên văn học, Cơ sở địa mạo địa chất biển, Chu trình sinh địa hóa, Đo đạc và phân tích số liệu, Lập trình ứng dụng … Sinh viên sẽ học các môn này trong năm 2 và năm 3.
Các môn học chính của chuyên ngành: Bắt đầu từ học kỳ 2 năm thứ 2, sinh vien sẽ học các môn chuyên ngành chính gồm Hải lưu, Sóng biển, Thủy triều, Cửa sông, Hóa học biển, Sinh học sinh thái biển, Khai thác dữ liệu; Khí tượng động lực, Khí tượng synop, Dự báo số trị, Khí tượng lớp biên, Khí tượng hàng không; Thủy lực sông, Động lực học vùng cửa sông, Sinh thái vùng cửa sông, Động lực học môi trường biển, Động lực học môi trường khí quyển, Các quá trình vùng ven bờ, Động lực học sinh thái thủy hải văn vùng ven bờ
Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ có hai chuyến kiến tập và thực tập thực tế
Kiến tập (học kỳ 1 năm 3): tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Phân viện khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam, Trạm ra-đa Nhà Bè, Trạm khí tượng cao không, vùng ven biển, cửa sông và rừng ngập mặn Cần Giờ.
Thực tập thực tế (học kỳ 2 năm 3): Sinh viên chuyên ngành Hải dương học thực tập tại Viện Hải dương học và thực hiện một chuyến khảo sát một ngày đêm trên biển đo các yếu tố vật lý, sóng và dòng chảy. Sinh viên chuyên ngành Khí tượng học và Thủy văn học thực tập tại Đài khí tượng và Thủy văn khu vực, và tại các trạm quan trắc khí tượng và thủy văn, tham dự các phiên thảo luận dự báo, vẽ bản đồ synop và các mã luật khí tượng và thủy văn. Sinh viên chuyên ngành hải dương, khí tượng và thủy văn sẽ thực tập tại các địa điểm trên.
Về đào tạo sau đại học, bộ môn hiện nay nhận nhiệm vụ đào tạo hai chuyên ngành cao học Hải dương học và Khí tượng – khí hậu học, và một chuyên ngành tiến sĩ về Hải dương học.
Clip giới thiệu về Hiện tượng ENSO phối hợp giữa HTV9 và Bộ môn
Clip giới thiệu về Rừng và Biến đổi khí hậu phối hợp giữa HTV9 và Bộ môn
Bài giới thiệu về Bộ môn trên báo Pháp luật
Clip giới thiệu về Bộ môn Hải dương, Khí tượng và Thủy văn
Clip giới thiệu về bộ môn trên htv7