(NLĐO)- Mặt trăng Dione của Sao Thổ là một trong những mục tiêu được tàu thăm dò Cassini của NASA “chăm sóc đặc biệt” vì sở hữu những yếu tố thiết yếu cho sự sống.
Những hình ảnh cuối cùng được gửi về trái đất bởi tàu vũ trụ Cassini và được NASA lần lượt công bố thời gian gần đây cho thấy các góc nhìn cận cảnh về Dione – một mặt trăng ít được thấy trong những hình ảnh về Sao Thổ.
Mặt trăng Dione – ảnh: NASA
Lý do là nó có vẻ khá lu mờ so với hai anh em – mặt trăng Titan và mặt trăng Enceladus, hai “miền đất hứa” của sự sống ngoài hành tinh vì sở hữu đại dương bên dưới bề mặt băng giá. Vừa qua, người ta còn phát hiện các phân tử hữu cơ trên mặt trăng Enceladus, đưa đến hy vọng có một dạng sống – ít nhất là bằng chứng về sự sống cổ đại trên thiên thể này.
Tuy nhiên, theo tờ Space, nhiều nhà khoa học cho rằng Dione là một phiên bản mờ nhạt hơn của Enceladus. Các dữ liệu sơ bộ mà Cassini mang về bao gồm hình ảnh bề mặt cận cảnh và một dòng tia hạt nhỏ được tàu vũ trụ này nắm bắt cho thấy Dione cũng có dấu hiệu của một đại dương bên dưới lớp băng vĩnh cửu.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Hội Thiên văn học Hoàng gia Bỉ, dữ liệu trọng lực mà Cassini thu thập cho thấy có một đại dương sâu đến 100km bên dưới bề mặt băng của mặt trăng này! Đại dương này bao quanh một lõi đá lớn và đặc. Lõi đá chính là lý do mặt trăng này có khối lượng rất nặng so với kích thước khá nhỏ bé của nó.
Ảnh – NASA
Dione trong các góc ảnh khác, cũng do tàu Cassini chụp – ảnh: NASA
Theo nhà khoa học Attilio Rivoldini, một trong các tác giả của nghiên cứu nói trên, tương tác giữa nước và đá, tức giữa đại dương và lõi mặt trăng cung cấp chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng, là các thành phần thiết yếu hỗ trợ cho sự sống dưới nước.
Tàu vũ trụ Cassini còn phát hiện mặt trăng này sở hữu oxy trong bầu khí quyển. Tuy nhiên mật độ oxy rất thấp so với trái đất, chỉ có một ion oxy trong mỗi 11 cm khối không khí.
Dione còn giống mặt trăng của trái đất đến lạ lùng, với khoảng cách từ nó đến Sao Thổ là 377.400 km, xấp xỉ khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất. Mặt trăng này cũng như mặt trăng của chúng ta, bị “khóa” bởi hành tinh chủ nhân, bao giờ cũng hướng về Sao Thổ bằng một bề mặt duy nhất.
Mặt trăng băng giá này phản chiếu màu trắng xóa trong hình ảnh thực do tàu Cassini chụp, đúng như nghĩa của nó, bởi nhiệt độ bề mặt của nó cực thấp: âm 186 độ C. Đây là mặt trăng lớn thứ 4 trong số 53 vệ tinh của Sao Thổ và thứ 15 của Hệ mặt trời, với bán kính trung bình là 349 dặm.
Tuy nhiên nó là một trong các mặt trăng… xui xẻo nhất trong hệ mặt trời, vì bị “chiếc nhẫn” danh tiếng của Sao Thổ, tức vành đai vật thể quanh hành tinh này, liên tục phá hoại bằng vô số thiên thạch lớn nhỏ. Đó là lý do mặt trăng này đầy các hố thiên thạch, có hố rộng tới 100 km, một số hố khác thì sâu tới 35 km.A. Thư (Theo Space, NASA)