Nhóm nghiên cứu tình cờ phát hiện các mặt trăng mới của sao Mộc trong khi tìm kiếm Hành tinh X ẩn giấu trong hệ Mặt Trời.
Các nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Carnegie, Mỹ hôm qua công bố phát hiện 12 mặt trăng mới quay quanh sao Mộc, nâng tổng số mặt trăng của hành tinh này lên con số 79, số lượng vệ tinh tự nhiên nhiều nhất so với bất kỳ hành tinh nào khác hệ Mặt Trời, theo Science Alert.
Hầu hết mặt trăng mới được phát hiện bởi kính viễn vọng Blanco đặt tại đài thiên văn Cerro Tololo Inter-American ở Chile, một cách tình cờ. Mục đích ban đầu của nhóm nghiên cứu là tìm kiếm những vật thể xa xôi có thể là hành tinh mới ẩn giấu trong hệ Mặt Trời, được gọi là Hành tinh X hay Hành tinh thứ 9.
“Sao Mộc tình cờ xuất hiện gần khu vực mà chúng tôi đang tìm kiếm đối tượng có thể là hành tinh X trong hệ Mặt Trời, nhờ đó, chúng tôi may mắn phát hiện các mặt trăng mới của sao Mộc”, Scott Sheppard, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà thiên văn học đã sử dụng một kính viễn vọng mạnh nhất từ trước đến nay, cho phép mở rộng phạm vi tìm kiếm với độ phân giải cao hơn. Ngoài ra, kính viễn vọng còn được trang bị camera năng lượng tối (DECam) có khả năng làm giảm ánh sáng tán xạ từ sao Mộc, giúp nhóm nghiên cứu quan sát được những vật thể mờ nhạt.
12 mặt trăng mới đều có kích thước khá nhỏ và được chia thành ba nhóm. Trong đó, 9 mặt trăng ở xa nhất có quỹ đạo ngược với chiều quay quanh trục của sao Mộc và mất khoảng 2 năm để quay hết một vòng quanh hành tinh khí khổng lồ này. Nhóm thứ hai gồm hai mặt trăng có quỹ đạo gần hơn, quay cùng chiều với chiều quay quanh trục của sao Mộc và mất chưa tới một năm để hoàn thành một vòng quay quanh hành tinh này.
Nhóm thứ ba là một mặt trăng rất kỳ lạ, được đặt tên là Valetudo. Mặt trăng này có đường kính chỉ một kilomet và là mặt trăng nhỏ nhất từng được biết đến của sao Mộc. Valetudo mất khoảng một năm rưỡi để hoàn thành một vòng quay hết một vòng quanh sao Mộc và có quỹ đạo cùng chiều với chiều quay quanh trục của hành tinh này. Điểm đặc biệt là quỹ đạo của nó cắt ngang qua nhóm 9 mặt trăng quay ngược chiều bên ngoài, khiến va chạm rất có thể xảy ra.
Theo nhóm nghiên cứu, 12 mặt trăng mới được phát hiện nhiều khả năng là những mảnh vỡ được hình thành sau va chạm giữa các vật thể vũ trụ lớn hơn. Ngoài Valetudo, 11 mặt trăng còn lại vẫn đang chờ được đặt tên.
Đoàn Dương
Nguồn: https://vnexpress.net/khoa-hoc/phat-hien-12-mat-trang-moi-quay-quanh-sao-moc-3779410.html