Rạng sáng 27-9 (giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chính thức công bố những phát hiện chấn động từ các hình ảnh chụp được trên mặt trăng Europa của sao Mộc.

Kết quả có thể khiến một số người thất vọng bởi các nhà khoa học của NASA khẳng định không có người ngoài hành tinh nào trên Europa.

Tuy nhiên, những hoạt động trên Europa mà kính viễn vọng không gian Hubble ghi nhận được lại rất quan trọng cho một giả thuyết: có đại dương bên dưới bề mặt Europa.

Đây là kết quả quan sát được của chuyên gia William Sparks thuộc Viện Khoa học kính viễn vọng không gian (STScI) có trụ sở tại Baltimore và các cộng sự thực hiện.

Mục tiêu ban đầu của nhóm nghiên cứu chỉ là xác định xem liệu Europa có bầu khí quyển dày và rộng hay chỉ là một lớp loãng như tầng ngoài ở Trái đất. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã rẽ sang một hướng mới khi phát hiện ra “điều bất thường” trên bề mặt Europa.

Trong một bức ảnh được Hubble chụp vào tháng 1-2014, các nhà khoa học phát hiện ra “điều bất thường” được cho là các luồng khí phụt ra trên bề mặt Europa

Trong 15 tháng sau đó, nhóm của Sparks tiếp tục theo dõi quỹ đạo của Europa thêm 9 lần nữa.

Liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4 cùng năm, “điều bất thường” đó tiếp tục xuất hiện vào đúng vị trí góc chụp trong tháng 1.

Theo các nhà khoa học NASA, “điều bất thường” chỉ xuất hiện khi Europa di chuyển ra mặt trước của sao Mộc.

Ánh sáng từ sao Mộc này đã rọi qua bầu khí quyển mỏng của Europa tạo ra hình ảnh cực tím của các phân tử tại vị trí “bất thường” và được Hubble ghi nhận là “H20” (phân tử nước).

Tuy nhiên, các nhà khoa học NASA vẫn chưa thể xác định những luồng khí này là hơi nước hay nước đá cũng như không chắc chắn về sự tồn tại của nó.

Mặc dù vậy, phát hiện mới này đã giúp củng cố giả thuyết về một đại dương ngầm bị chôn sâu bên dưới lớp băng dày 20km của Europa.

Trước đó vào năm 2012, một nhóm nghiên cứu khác do chuyên gia Lorenz Roth thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam dẫn đầu cũng đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy có hơi nước phun trào từ vùng cực nam băng giá của Europa. Nhóm của Roth ước tính các luồng khí này đạt tới chiều cao hơn 160km.

Mặc dù cùng sử dụng dữ liệu quan sát từ kính viễn vọng Hubble và các phương pháp độc lập nhau, cả hai nhóm nghiên cứu đã dẫn đến cùng một kết luận rằng có sự phun trào hơi nước trên bề mặt Europa.

Geoff Yoder, một nhà khoa học của NASA cho biết: “Nếu những luồng khí này thật sự tồn tại, nó sẽ mở ra cơ hội mới cho việc lấy các mẫu vật từ Europa”

Trong tương lai, các nhà khoa học có thể quan sát rõ hơn về các luồng khí này nhờ vào tầm nhìn hồng ngoại của kính viễn vọng không gian James Webb của NASA. Dự kiến James Webb sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2018.


Bên dưới bề mặt của Europa là một đại dương khổng lồ với ước tính hơn 3 tỷ kilômét khối, nhiều hơn cả nước mà chúng ta có trên Trái Đất

Phía NASA cũng khẳng định đang xây dựng một sứ mệnh không gian mới nhằm xác nhận sự tồn tại của luồng khí trên Europa cũng như lấy mẫu vật và nghiên cứu chúng ở cự ly gần.

Nếu được xác nhận, Europa sẽ là mặt trăng thứ hai trong hệ mặt trời có luồng hơi nước sau mặt trăng Enceladus của sao Thổ.

Các nhà khoa học tin rằng ẩn chứa bên dưới bề mặt của Europa là một đại dương khổng lồ với ước tính hơn 3 tỷ kilômét khối, nhiều hơn cả nước mà chúng ta có trên Trái Đất.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/khoa-hoc/20160927/chan-dong-bang-chung-moi-ve-bien-ngam-tren-mat-trang-europa/1178157.html