Bạn có tin, con người chúng ta đang gây tổn thương cho các đại dương và khiến chúng ngày một dần “suy thoái”?

Sự thật là không ai trong chúng ta có thể sống mà không có nước – 97% trữ lượng nước trên Trái đất là ngoài biển khơi. Không có màu xanh của biển thì không có màu xanh của lá, bởi vậy – bạn có cho rằng, biển cả không hề quan trọng?
Nhưng bạn có biết, con người đang gây tổn thương cho các đại dương, khiến chúng ngày càng “suy thoái”. Cùng với đó, các sinh vật biển cũng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử loài người.
Sau khi nghiên cứu, nhà khoa học Sylvia Earle trong bài nói chuyện “My wish: Protect our oceans” (tạm dịch: Mong ước của tôi là bảo vệ đại dương của chúng ta) đã đưa ra số liệu thống kê cụ thể về đại dương trên thế giới trong suốt 5 thập kỷ qua. Qua đó, bà vô cùng bất ngờ trước sự sụt giảm mạnh mẽ của các loài sinh vật biển, đồng thời số lượng vùng biển chết lại tăng nhanh.  
Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp người xem cảm nhận rõ nét hơn về những gì mà đại dương của chúng ta đang phải hứng chịu. Đó như một lời nhắc nhở với tất cả mọi người, nếu không nghiêm túc nhìn nhận lại, đại dương sẽ ngày chìm đắm trong nạn ô nhiễm môi trường.
Điều gì đã xảy ra với các rạn san hô?

Tại thời điểm năm 1950 và năm 2014, một nửa số lượng rạn san hô trên khắp các đại dương đã biến mất. Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, sự nóng lên toàn cầu khiến cho nước biển cũng ấm dần lên và axit hóa đại dương. Điều này làm gia tăng cái chết của sinh vật biển cùng rạn san hô.
Việc gia tăng nồng độ của khí carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã làm tăng sự hấp thụ CO2 vào trong đại dương. Tại đó sẽ xảy ra một phản ứng hóa học làm giảm độ pH, khiến cho các đại dương có tính axit. 
San hô rất nhạy cảm với nồng độ axit tăng bởi chúng gặp khó khăn trong việc duy trì cấu trúc xương cần thiết để hỗ trợ và bảo vệ mình. Do vậy, chúng ngày càng mai một và biến mất.


Số lượng những sinh vật biển sao ngày càng mai một ?

Thống kê của nhà khoa học Sylvia Earle cho thấy, số lượng cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, cá mập và cá tuyết Bắc Đại Tây Dương sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, vào năm 2014, số lượng cá ngừ vây xanh chỉ còn khoảng 5%, cá mập tụt ở mức 10% và cá tuyết Bắc Đại Tây Dương sụt giảm còn 5% so với năm 1950.

Bạch tuộc cũng không ngoại lệ khi 86% số lượng cá thể trong các đại dương đã hoàn toàn “bốc hơi”, chỉ còn lại 14% cá thể bạch tuộc còn tồn tại. 
Theo các chuyên gia, đại dương có tính axit cũng sẽ tác động bất lợi đến sức khỏe của nhiều loài sinh vật biển khác nhau, bao gồm cả những sinh vật phù du, động vật thân mềm và động vật giáp xác khác.


Những “vùng chết” không ngừng tăng mạnh – gấp 500 lần trong 39 năm

Dòng chảy màu đỏ giúp chúng ta hiểu mỗi ngày có tới hàng triệu gallon nước thải (bao gồm cả thuốc trừ sâu, phân bón hóa học) di chuyển cùng nước mưa hòa với dòng chảy con sông hay ngấm vào đất và “thẳng tiến” ra biển. Hóa chất bao gồm cả nitơ cùng chất độc hại sẽ phá vỡ sự cân bằng hóa học của nước.

Điều này sẽ dẫn tới một hệ quả là những Deadzone (tạm dịch: vùng chết) xuất hiện ngày một dày đặc hơn. Cụ thể, vào năm 1975, số lượng “vùng chết” là 1 nhưng tới năm 2014, con số này đã là hơn 500. 
Theo các chuyên gia, Deadzone xuất hiện khi lượng chất dinh dưỡng quá dư thừa, chủ yếu là do lượng Nitơ và Phốtpho thâm nhập vào biển qua nước ngọt chảy từ đất liền ra, giúp thúc đẩy những đợt bùng phát nở hoa của tảo biển. 
Khi những loài thực vật nhỏ chết đi và chìm xuống đáy biển, chúng trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho vi khuẩn. Hoạt động của vi khuẩn sẽ làm thối rữa vi tảo và làm suy giảm lượng oxy của những vùng nước ngoại vi do lượng oxy bị vi khuẩn sử dụng quá lớn. Điều này ảnh hưởng đến sự sống còn của các loài thực vật và sinh vật trong khu vực.


Các mỏ khoan dầu gia tăng chóng mặt – gấp 30.000 lần trong vòng 67 năm

Bạn có biết, chỉ trong 67 năm, số lượng các giàn khoan dầu trên đại dương đã gia tăng tới 30.000 lần. Cụ thể, giàn khoan dầu đầu tiên được xây dựng trên đại dương vào năm 1947 nhưng đến năm 2014, con số này đã tới hơn 30.000 và còn tiếp tục gia tăng. Điều này khiến cho trữ lượng dầu mỏ trên thế giới được khai thác mạnh, đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dầu mỏ hay sản phẩm từ dầu mỏ đang ngày một gây ra sự ô nhiễm trầm trọng trên biển và đại dương. Một thống kê gần đây cho thấy, dầu mỏ “xâm nhập” vào nước biển bằng nhiều con đường, con số này có thể lên tới 3,2 triệu tấn/năm trong đó lớn nhất là con đường vận tải trên biển. 
Theo đó, việc đưa một số lượng lớn dầu từ di chuyển vào đất liền hoặc việc khai thác dầu tại giàn khoan có sơ suất có thể thải một lượng lớn dầu mỏ xuống biển. Người ta ước tính rằng, mỗi năm, có khoảng hơn 1 triệu tấn dầu mỏ tràn ra mặt biển từ những sự cố ở giàn khoan dầu. Điều này sẽ khiến một vùng biển rộng lớn bị ô nhiễm, đồng nghĩa với việc không ít những sinh vật nơi đây sẽ “héo mòn” và biến mất.

Nguồn: http://ttvn.vn/khoa-hoc/anh-dong-cho-thay-tinh-trang-suy-thoai-dang-so-cua-dai-duong-2201524223264108.htm