Các nhà khoa học mới đây cho biết lớp ozone, nằm ở tầng bình lưu bảo vệ Trái Đất trước tác động của tia cực tím gây ung thư, đang có dấu hiệu phục hồi đầu tiên sau nhiều năm suy giảm.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho hay, lỗ hổng tầng ozone ở Nam Cực đã bắt đầu ngưng mở rộng. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia phát hiện những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi ở tầng ozone đang bắt đầu. Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng tầng ozone bắt đầu ngưng tồi tệ hơn.
“Hành động mang tính quốc tế đối với vấn đề lỗ thủng tầng ozone là một câu chuyện môi trường thành công. Điều này sẽ khích lệ chúng tôi đưa ra những cảnh báo khẩn cấp tương tự và thống nhất để cùng giải quyết những thách thức lớn hơn trước tình hình biến đổi khí hậu”, Reuters dẫn lời Tổng thư ký WMO Michel Jarraud nhấn mạnh.
Tầng ozone được hy vọng có thể phục hồi gần mức của năng 1980 cho đến khoảng giữa thế kỷ 21, hoặc chậm hơn ở khu vực Nam Cực. Theo chuyên gia Geir Braathen của WMO, sự phát triển trong những năm 1990, khi mà lỗ hổng tầng ozone ngày càng lớn dần theo từng năm, đang bắt đầu chững lại. Tính đến khoảng năm 2025, lỗ thủng tầng ozone sẽ thu hẹp nhỏ hơn.
Năm 1987, Nghị định thư Montreal được ký kết nhằm bảo vệ tầng ozone bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất các chất gây ảnh hưởng đến tầng ozone. Đây được coi là giải pháp giúp ngăn chặn khoảng hai triệu trường hợp ung thư da hàng năm cho đến năm 2030, cũng như tác động khác đến nông nghiệp, đời sống động vật hoang dã, mắt và hệ thống miễn dịch ở người.
Lỗ hổng tầng ozone lớn nhất từng được ghi nhận vào năm 2006, với kích thước khoảng 30 triệu km2. Hiện nay, lỗ hổng này thu hẹp còn khoảng 20 triệu km2. Các chuyên gia cho biết kích thước của lỗ hổng tầng ozone có thể thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào nhiệt độ ở tầng bình lưu.
Linh Anh