Sét không chỉ xuất hiện trong các cơn giông mà còn được quan sát khi núi lửa phun trào hoặc lốc xoáy, bão bụi.
Tia sét có thể làm nóng không khí xung quanh lên khoảng 27.760 độ C, nóng hơn gấp 5 lần so với nhiệt độ bề mặt của Mặt Trời.
Sét không chỉ xuất hiện trong các cơn giông, một hiện tượng khí tượng gồm bão, mưa to, sấm sét, gió mạnh. Hiện tượng phóng điện trong khí quyển còn có thể xảy ra trong các cơn bão, lốc xoáy, núi lửa phun trào, thậm chí cả bão bụi và bão tuyết.
Sét đánh thường xuất hiện ở phạm vi khoảng 5 km tính từ trung tâm của một cơn bão, thậm chí ở khoảng cách 16-25 km hoặc xa hơn. Vì vậy, dù có ở bên ngoài bán kính của một cơn bão thì khả năng an toàn cũng chưa thể chắc chắn.
Xác suất bị sét đánh trong cuộc đời của mỗi người là 1/3.000. Khả năng sống sót sau khi bị sét đánh vẫn có, tuy nhiên người bị sét đánh thường có nhiều thương tích nghiêm trọng và ảnh hưởng kéo dài, từ bỏng theo nhiều mức độ đến ảnh hưởng não và thậm chí thay đổi tích cách.
Theo ước tính của các nhà khoa học, sét xuất hiện trên Trái Đất khoảng 100 lần mỗi giây, 70% trong số này xảy ra ở vùng nhiệt đới. Các loại tia sét bao gồm sét đánh từ mây xuống đất, sét từ đất lên mây (luồng điện tử di chuyển giữa mặt đất và đám mây phía trên). Loại sét thường gặp nhất là sét mây và mây, hiện tượng trao đổi điện tử giữa các đám mây với nhau mà không phải đi xuống đất. Ngoài ra còn có các loại khác như sét dị hình, sét hòn, sét thượng tầng khí quyển, sét dương, sét tên lửa, sét khô…
Linh Anh (Theo Mother Nature Network)
Nguồn: https://vnexpress.net/khoa-hoc/nhung-dieu-ky-thu-ve-tia-set-3030699.html