Ngày 9/1, các nhà khoa học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên thành phố New York, Mỹ (AMNH) công bố phát hiện hơn 180 loài cá “huỳnh quang sinh học”, thường ẩn náu tại các rạn san hô nhiệt đới.
Hiện tượng huỳnh quang sinh học khác hoàn toàn hiện tượng phát quang sinh học thường thấy ở đom đóm và khoảng 80-90% sinh vật biển sâu.
Các loài cá huỳnh quang sinh học được nghiên cứu – (Ảnh: Live Science)
Động vật huỳnh quang sinh học tự tạo ra protein hấp thụ ánh sáng, biến đổi và sau đó tái phát ra màu sắc huỳnh quang khác nhau. Con người chỉ có thể nhìn thấy động vật huỳnh quang phát sáng khi chúng có sự tác động của ánh sáng môi trường bên ngoài như ánh sáng xanh.
Cá ngựa huỳnh quang – (Ảnh: livescience)
Khi đó, các loài cá này có khả năng phát ánh sáng huỳnh quang như xanh dương, đỏ, cam hoặc xanh lá cây. Một số loài cá chỉ phát huỳnh quang quanh đôi mắt, trong khi một số cá loài khác có cơ chế phát huỳnh quang phức tạp dưới bụng hoặc trên lưng.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghiên cứu hiện tượng huỳnh quang sinh học ở các loài cá. Trước đây, các nhà khoa học chỉ nghiên cứu hiện tượng này ở vài loài như san hô hoặc sứa”, chuyên gia ngư học John Sparks – tác giả chính của nghiên cứu này- viết trên tạp chí khoa học Plos ONE.
Cận cảnh cá mập Scyliorhinus retifer huỳnh quang phát ra ánh sáng xanh lá cây – (Ảnh: Livesience)
Các nhà khoa học cho rằng “mô hình” phát huỳnh quang với màu sắc khác nhau ở loài cá có thể giúp chúng “liên lạc” với nhau hoặc “sống hòa thuận” cùng môi trường sống với san hô huỳnh quang.
Theo Live Science, sau khi nghiên cứu và thực hiện các chuyến thám hiểm ở vùng biển nhiệt đới, chuyên gia John Sparks và đồng nghiệp hiện đã phân loại được khoảng 105 chi cá với hơn 180 loài có khả năng huỳnh quang sinh học, chủ yếu thường thấy ở các loài như cá mập, cá đuối, cá chình, cá bống, cá vây tia, cá ngựa hay cá bơn.
Các nhà khoa học sử dụng ánh sáng xanh để quan sát hiện tượng huỳnh quang sinh học ở các loài cá tại quần đảo Solomon – đảo quốc nằm ở phía đông Papua News Guidea – (Ảnh: AMNH/Livescience)
Nghiên cứu này “mở đường” cho việc phát hiện các protein huỳnh quang mới được sử dụng theo dõi chức năng tế bào, hoạt động thần kinh và trong các nghiên cứu y sinh học hiện đại.
Nguồn: https://khoahoc.tv/phat-hien-hon-180-loai-ca-phat-sang-me-hoac-trong-bien-51486