(PLVN) – Biến đổi khí hậu (BÐKH) trong những năm gần đây diễn biến nhanh hơn so với dự báo. Có nhiều kịch bản dự báo khác nhau và kịch bản nào cũng đưa ra những cảnh báo hết sức khủng khiếp.
Bộ môn Hải Dương Học (Đại học KHTN Tp. Hồ Chí Minh) và các trường đại học Hoa Kỳ khảo sát tại Cù Lao Dung, Sóc Trăng năm 2015. Ảnh: BM HDH
Theo kịch bản BÐKH và nước biển dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật năm 2016, đến cuối thế kỷ 21, nếu nước biển dâng 100cm, khoảng 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập. Tương tự với 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng; 17,8% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh;.
Một nghiên cứu vừa được công bố gần đây của Đại học Utrecht (Hà Lan), kết hợp yếu tố nước biển dâng với tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm, dự báo rằng gần như toàn bộ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị chìm dưới mặt nước vào khoảng năm 2100.
Trước các dự báo này, Việt Nam rất cần chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn về khí tượng, thủy văn và hải dương học đủ sức để ứng phó. Tuy nhiên, đang tồn tại một nghịch lý là nhóm ngành này hiện nay ít người chịu theo học.
Số liệu tuyển sinh đại học của bộ môn Hải dương học – Khí tượng – Thủy văn thuộc Đại học KHTN Tp. Hồ Chí Minh cho thấy số lượng đầu vào mỗi năm mỗi giảm dần, mặc dù chì tiêu hằng năm của Bộ môn vẫn không thay đổi.
Bộ môn có ba hướng giảng dạy chính: Hải dương học: trang bị cho sinh viên kiến thức về vật lý, động lực học, sinh địa hóa, viễn thám, kỹ thuật kinh tế, quản lý và khai thác biển, đặc biệt là các quá trình ở vùng ven bờ, vùng cửa sông – biển; Khí tượng học: trang bị kiến thức về vật lý, nhiệt động lực học, động lực học của khí quyển và của hệ thống khí hậu, các kỹ thuật dự báo trong ngành Khí tượng, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đời sống dân sinh, kinh tế Việt Nam; Thủy văn học: cung cấp các kiến thức cơ bản liên quan đấn chu trình nước, thủy triều ở sông và biển, và các quá trình khác của thủy văn lục địa.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp nhóm ngành này hiện nay cơ hội việc làm được mở rộng hơn trước. Ngoài công việc ở các cơ quan chuyên môn như Viện, Sở KHCN, TN&MT, Trung tâm khí tượng… thì các doanh nghiệp cũng đang rất cần. Bất kỳ doanh nghiệp nào đầu tư bền vững mà có liên quan đến biển, đến thời tiết, khí hậu… thì đều cần nhân sự riêng có chuyên môn về ngành này để phục vụ sản xuất.
PGS.TS. Võ Lương Hồng Phước, trưởng Bộ môn cho biết, vừa qua một số cảng hàng không, công ty quản lý bay, công ty điện gió, công ty gia công phần mềm, công ty dịch vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… cũng đã liên hệ với Bộ môn để tìm kiếm nguồn nhân lực.
Vẫn biết rằng sức hút của ngành đào tạo là do thị trường nguồn nhân lực điều chỉnh. Nhưng với BĐKH diễn biến nhanh hơn dự báo như hiện nay thì rất cần có sự can thiệp để tránh tình trạng đến khi cần thì thiếu hụt nguồn nhân lực.
PGS.TS. Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Đại học KHTN Tp. Hồ Chí Minh cho rằng ngành Hải dương học là ngành khoa học cơ bản trọng yếu. Theo ông, Việt Nam với đặc điểm là quốc gia có bờ biển dài và tương lai, khi sông Mekong bị chặn dòng ở thượng nguồn thì sớm muộn gì cũng phải tính kế sống chung với hiện tượng xâm nhập mặn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho sinh viên ngành này để có được nguồn nhân lực đủ sức ứng phó với tình hình mới.
Theo Võ Anh Tuấn